Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những câu hỏi của trẻ


Hỏi là một nhu cầu của trẻ mà chúng ta cần đáp ứng lại một cách phù hợp.

Học ăn, học nói, học gói, học mở...Trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh bằng tay, bằng tai, bằng mắt... và bằng cả lời nói nữa. Sau những âm từ đơn lẻ là câu nói và cả một giai đoạn của những câu hỏi. Hiểu các câu hỏi của trẻ và giải đáp các câu hỏi đó là cả một nghệ thuật đòi hỏi cha mẹ chẳng những có kiến thức khoa học mà còn cần hiểu cả tâm lý trẻ nữa.

Lọt lòng mẹ ra đời trẻ bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Để tồn tại và phát triển, trẻ cần được người lớn chăm sóc, giáo dục đồng thời bản thân trẻ cũng phải không ngừng tìm hiểu thế giới.Khi trẻ biết nói , ngôn ngữ dần trở thành một công cụ nhận thức quan trọng: trẻ bắt đầu hỏi người lớn, thông qua người lớn để mở rộng vốn hiểu biết, đó là một nhu cầu sống còn của trẻ. Đó cũng là một độ tuổi thường được gọi là tuổi hay hỏi.

1- Tuổi hay hỏi thứ nhất ( dưới 3 tuổi )
Ở tuổi này các câu hỏi của trẻ chủ yếu là "Cái gì đây ?" và "Ở đâu?". Lúc này thế giới đồ vật đang cuốn hút trẻ. Hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động với đồ vật. Dưới con mắt của trẻ , thế giới đồ vật thật mung lung và lắm thứ. Trẻ cần từng bước phân biệt, tách rời từng thứ để dần dần làm rõ nét phân định được thế giới đồ vật đó. Đồng thời trẻ cũng biết được mỗi đồ vật có một tên, đồ vật khác nhau thì tên gọi khác nhau, mỗi đồ vật lại chiếm một vị trí trong không gian. Như vậy câu hỏi của trẻ trong thời kỳ này là nhằm xác định đồ vật, một nhu cầu cần thiết để tìm hiểu thế giới đồ vật.

2- Tuổi hay hỏi thứ hai ( từ 3-6 tuổi )
Khác với độ tuổi trước, ở tuổi này phạm vi quan tâm của trẻ đã mở rộng ra rất nhiều, không những là các đồ vật, con vật mà còn chủ yếu hướng vào những hành vi hoạt động của những người xung quanh. Trẻ bắt đầu nhận ra chú ý đến những tính chất và những mối quan hệ . Lúc này câu hỏi của trẻ đã khá đa dạng như " Làm bằng gì? ", " như thế nào? ", "có phải kính này của ông không?", "con ruồi nó có đốt không?"... và phổ biến hơn cả là câu hỏi "tại sao?".

3- Một số câu hỏi " tại sao? " của trẻ.
Câu hỏi "tại sao?" để tìm nguyên nhân hoặc mục đích: Trẻ đã nhận thức được một cách thô sơ quan hệ nhân quả nên đã khái quát "một cách cực đoan" cho rằng mọi hiện tượng phải có nguyên nhân, có mục đích. Trẻ không chấp nhận có cái ngẫu nhiên, đông thời dễ chấp nhận những mối liên hệ " bề ngoài " làm nguyên nhân, mục đích. Vì vậy gặp bất kỳ hiện tượng gì lạ trẻ cũng thường hỏi "tại sao?" hoặc "để làm gì?" .Trong đó có cả những câu hỏi loại "Tại sao con chó lại có bốn chân?", "tại sao bụi lại bay vào mắt mẹ?" hoặc "ông sao để làm gì?". Đồng thời trẻ cũng dễ chấp nhận những câu trả lời như kiểu trẻ sẽ trả lời khi người khác hỏi như: "rốn để xoa dầu", "tóc để trải đầu"...

Câu hỏi "tại sao?" để tìm động cơ: Ở đây trẻ cũng nhận ra, trước hết từ kinh nghiệm bản thân, sau từ việc quan sát những người xung quanh bằng một hành động, một trạng thái tâm lý ( vui hay buồn...) thường có nguyên nhân hoặc mục đích của nó. Trẻ bắt đầu đi tìm những nguyên nhân, mục đích trừu tượng hơn, đó là các động cơ hành động, các nguyên nhân tâm lý. Cũng như trên trẻ khái quát hóa, cho rằng mọi người, mọi vật, thậm chí mọi vật vô chi đều có thể hành động, có tâm trạng đều có nguyên nhân, mục đích. Khi trẻ hỏi " tại sao trời mưa? " thường là trẻ muốn hỏi " trời mưa để làm gì? " là muốn biết mục đích , động cơ của ông trời khi mưa chứ không phải tìm nguyên nhân làm cho trời mưa. Tương tự khi ta hỏi trẻ " tại sao trời tối? " trẻ sẽ trả lời " trời tối để mọi người đi ngủ ".

Câu hỏi "tại sao?" để nhận định: Đây là một bước tiến mới trên con đường nhận thức của trẻ. Trẻ hỏi để có được một nhận định , phán đoán, đánh giá của mình trước một sự vật hiện tượng mà trẻ quan tâm. Trẻ muốn tìm hiểu những quy tắc, quy luật, cơ chế vận hành. Những câu hỏi này xuất hiện chậm hơn khi tư duy của trẻ đã có những bước phát triển nhất định. Chẳng hạn cùng câu hỏi "Tại sao ô tô chạy?" thì mục đích của trẻ lên 3 là tìm mối quan hệ nguyên nhân kết quả còn mục đích của trẻ 5-6 tuổi là tìm hiểu cơ chế vận hành.

Hỏi là một nhu cầu của trẻ mà chúng ta nhất thiết phải đáp ứng để góp phần vào việc bồi dưỡng và phát triển nhận thức cho trẻ.

(Theo Giáo dục mầm non - Tâm lý trẻ từ 0-6 tuổi)- Bibi.vn