Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để trẻ có hàm răng đẹp


Tầm quan trọng của một hàm răng, mái tóc đã được đề cao qua câu nói của người xưa “Cái răng, cái tóc là góc con người” Hiện nay, nhiều trẻ em được đưa đến điều trị tại Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TPHCM với một hàm răng hô, hoặc răng mọc lố nhố, răng không mọc được và một số biến chứng khác... Khi gặp tình trạng này chuyện mong trẻ có một hàm răng đẹp là rất khó. Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Xuân Sáng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Răng Hàm Mặt, cho biết hàm răng đẹp là một hàm răng có hình thể, màu sắc đẹp và các răng mọc đúng vị trí. Để đạt được điều này, các bà mẹ cần chăm sóc răng cho trẻ từ rất sớm. Tránh nhóm thuốc Tetracycline Màu sắc răng của trẻ bắt đầu hình thành từ bào thai. Nếu không bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, những thai phụ bị thiếu chất canxi, flour sẽ tạo cho trẻ bệnh lý thiểu sản răng men (cấu trúc men răng không bình thường). Bệnh lý này làm men răng trẻ không trắng, cứng, bóng và có thể chuyển sang màu nâu, đen. Men răng sẽ tiếp tục hình thành đến lúc trẻ được 9-12 tuổi. Trong thời gian này, trẻ cần được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đầy đủ và các bà mẹ chú ý không nên cho trẻ uống thuốc nhóm Tetracycline vì những loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến men răng của trẻ. Chăm sóc răng sữa như răng vĩnh viễn Vị trí và tư thế răng hình thành từ lúc chiếc răng đầu tiên mọc lên (khoảng 4 tháng tuổi). Do vậy từ lúc này, các bậc cha mẹ phải có ý thức chăm sóc, vệ sinh răng cho trẻ để duy trì tốt hàm răng sữa. Nhiều bà mẹ có quan niệm sai lầm "hàm răng sữa không quan trọng" vì sau đó trẻ thay răng vĩnh viễn. Họ không biết rằng chất lượng của một hàm răng sữa lại ảnh hưởng nhiều đến những răng vĩnh viễn sau này. Nếu chăm sóc răng sữa không tốt sẽ gây sâu, sún và trong tình trạng này, trẻ thường phải nhổ răng sữa sớm. Lúc ấy, trẻ sẽ không nhai được, lợi bị xơ làm răng vĩnh viễn khó mọc (nhiều trường hợp phải rạch lợi để răng mọc lên). Nhổ răng sữa quá sớm còn làm những răng lân cận bị xô đẩy, chức năng nhai kém, xương hàm nhỏ đi không đủ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc, vệ sinh răng cho trẻ (đánh răng sau bữa ăn, không ăn ngọt vào buổi tối, hạn chế uống nước đá) đồng thời đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần phát hiện sớm những trường hợp sâu răng để trám răng. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng lưu ý nhổ răng sữa đúng thời điểm, tạo điều kiện cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Một số thói quen xấu của trẻ như cắn móng tay, mút tay, ngậm núm vú, cắn môi, cắn lưỡi... cũng làm răng mọc không đúng vị trí. Các bậc cha mẹ cần nhắc nhở trẻ bỏ thói quen xấu này, nếu trẻ không bỏ được phải can thiệp bằng những khí cụ. Ví dụ, trẻ có thói quen mút môi sẽ được bác sĩ cho đeo khí cụ chặn môi. Phát hiện sớm các bệnh lý Một số bệnh lý như dị tật sứt môi, hở hàm ếch, bệnh lý xương hàm (u xương hàm, nang xương hàm), bệnh lý răng (u răng, nang răng)... cũng ảnh hưởng đến sự biến đổi của vị trí răng. Khi thấy trẻ có một chiếc răng nào đó mãi không thấy mọc, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay vì có thể chiếc răng đó đã tạo nên u nang thân răng, hoặc khối u. Khi thấy trẻ có những triệu chứng bất thường như kêu đau nhức răng, sưng, biến dạng ở mặt... cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị ngay. Một số bệnh lý toàn thân như bệnh lý về tai-mũi-họng, hô hấp... làm thay đổi sinh lý bình thường của tuyến thở nên trẻ phải thở bằng miệng cũng làm cho răng bị hô. Ở những trẻ mắc các bệnh lý này, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ tới các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị sớm. Theo NLĐ