Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp bé phát triển ngôn ngữ


Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ có một vốn từ khác nhau.

Giai đoạn 1 - 2 tuổi: Khuyến khích bé nói chuyện
Thời kỳ này, bé có thể lắng nghe tất cả những gì bạn nói và "lưu trữ" vào cái đầu bé nhỏ nhưng có dung lượng lưu trữ khổng lồ. Thay vì sử dụng những từ ngữ "trẻ con" theo ngôn ngữ của bé, cha mẹ nên dạy con sử dụng đúng từ ngữ, đúng tên gọi các sự vật, nơi chốn, con người. Hãy nói thật chậm, rõ ràng và cố gắng càng đơn giản càng tốt.

Bé 1 - 2 tuổi vẫn thường dùng "ngôn ngữ hình thể" để diễn đạt. Ví dụ, bé chỉ vào tủ lạnh để đòi uống nước. Trong trường hợp này, cha mẹ nên đặt câu hỏi để bé trả lời và diễn tả ý muốn của mình. "Con muốn uống nước là? Con uống nước gì nào? Nước táo hay nước nho? Mẹ lấy cho con một ly nước táo nhé..." Sau mỗi câu hỏi, bạn hãy để một khoảng lặng cho bé trả lời để bé diễn tả ý muốn của mình. Cách thức này sẽ khuyến khích bé trả lời và tham gia vào cuộc nói chuyện. Nhưng, mẹ cũng đừng giận nếu bé không trả lời. Lúc này chỉ nên khuyến khích bé nói và nói chuyện với bé, giúp con có nhiều từ vựng và diễn đạt tốt hơn.

Giai đoạn 2 - 3 tuổi: Mở rộng vốn từ cho trẻ
Cha mẹ có thể nói nhiều chuyện phức tạp hơn và yêu cầu bé đáp lại ở giai đoạn này. Nói với bé về kế hoạch sắp tới như "Mẹ thấy trời sắp mưa rồi đấy, chúng ta phải làm gì đây?" hoặc kể cho bé nghe vè những chuyện đã xảy ra hôm qua. Đọc đi đọc lại cho bé nghe cuồn sách, câu chuyện mà bé yêu thích. Thỉnh thoảng, mẹ dừng lại, chừa chữ cho bé thêm vào bằng những từ bé biết.

Ở lứa tuổi này, trẻ con cũng muốn được người khác nghe chúng nói. Bé thường kể lại những gì đã nhìn thấy, đã làm và ước muốn. Nhưng do vốn từ không nhiều nên bé thường dùng những từ khó hiểu, diễn đạt sai mục đích. Lúc này, cha mẹ nên đưa ra một số cách nói đơn giản như: "Có phải con muốn nói rằng..." để bé có thể trả lời ngay bằng cách nói "đúng" hoặc "không". Sau đó, bạn hãy diễn đạt lại câu nói của con bằng một câu đúng, ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu. Bạn không nên trả lời con một cách thờ ơ bởi sẽ làm gián đoạn cuộc trò chuyện, ngăn cản bé tìm từ phù hợp và học cách phát âm chuẩn.

Giai đoạn 4 - 5 tuổi: Hãy giúp trẻ trả lời những câu hỏi
Để cố gắng hiểu được thế giới xung quanh, trẻ em không ngừng đặt câu hỏi. Lúc này, cha mẹ nên trả lời một cách cặn kẽ, dùng từ đơn giản để chúng có thể hiểu được những gì bạn nói. Không nên ngăn cản bé nói khi câu hỏi của chúng làm bạn thấy khó chịu. Bạn cũng đừng trả lời một cách chung chung các câu hỏi vì bé sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, không được cha mẹ tôn trọng. Khi gặp những câu hỏi khó, bạn hãy nói rằng điều đó thật phức tạp mà con còn quá bé để hiểu, hoặc bạn đang mệt và hứa sẽ trả lời sau.

Giai đoạn trẻ 6 - 7 tuổi: Giúp trẻ phát triển khả năng suy nghĩ, phân tích
Ở độ tuổi này, con bạn đã biết suy nghĩ và phân tích những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh. Chúng chú ý đến mọi thứ chung quanh mình và không chịu bằng lòng với những gì đã có. Cha mẹ là cuốn từ điển bách khoa sống và bé luôn hy vọng nhận được những lời giải thích thuyết phục khi không hiểu việc gì đó. Trong mọi trường hợp, bạn phải lựa chọn ngôn ngữ sao cho phù hợp với tầm hiểu biết của trẻ. Không nên cố tìm câu trả lời khi bạn không hiểu vấn đề. Tốt hơn là nên thú nhận với con: "Bố mẹ không hiểu vấn đề này lắm". Sau đó, bạn nên tìm mua cho trẻ cuốn sách nói về đề tài này, khuyến khích chúng đọc và cùng trao đổi với mình.

( Theo Tiếp thị gia đình)