Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh tim và thai nghén


Việc mang thai gây nhiều thay đổi lớn trong hệ tim mạch. Người bình thường có thể thích nghi được; nhưng người có bệnh tim dù nhẹ hay nặng thì đều chịu ảnh hưởng xấu. Thai nghén nhiều khi dẫn tới suy tim toàn bộ với tỷ lệ tử vong mẹ khá cao. Thể tích máu tăng từ tuần thai thứ 10 và tăng tối đa từ tuần lễ thứ 30-34, tăng khoảng 2/5 thể tích so với trước khi có thai, khối lượng máu chỉ trở lại bình thường sau sinh 2 tháng. Các chuyển hóa khác cũng tăng làm tăng tiêu thụ ôxy. Thai nghén làm giảm sức cản của mạch máu ngoại vi và ứ trệ máu ở tĩnh mạch do tử cung to lên, chèn ép vào tĩnh mạch chủ. Ba hiện tượng trên làm cho cung lượng tim tăng lên khoảng 30% ở tuần lễ thứ 34 và khoảng 80% khi chuyển dạ. Cung lượng tim tăng là nhờ tăng tần số tim và sức bóp của tim. Ở người không bị bệnh tim, khả năng làm việc quá mức trên vẫn bảo đảm được. Nhưng ở người bị bệnh tim thì đó là nguyên nhân gây ra những tai biến, tai biến nhẹ hay nặng tùy theo mức độ bệnh tim. Bệnh tim ít gây sảy thai nhưng dễ gây đẻ non, thai chậm phát triển, thiếu máu, nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh viêm màng trong tim nhiễm khuẩn. Ngoài ra, dị dạng thai thường gặp ở người mẹ bị bệnh tim bẩm sinh. Dù bệnh tim nhẹ hay nặng thì việc có thai đều làm cho bệnh nặng lên và có thể xuất hiện những biến chứng như: - Phù phổi cấp: Khó thở dữ dội, tím tái, ho ra máu, nghe phổi có nhiều ran ẩm. - Suy tim cấp: Tim đập nhanh, nhịp không đều, khó thở, hồi hộp. - Loạn nhịp tim: Ngoại tâm thu, nhịp nhanh xoang hoặc loạn nhịp hoàn toàn. - Tắc mạch phổi: Ít gặp nhưng nếu có thì xảy ra đột ngột, có khi tử vong rất nhanh. Các biến chứng trên nhẹ hay nặng phụ thuộc vào mức độ của bệnh tim, tình trạng của thai và bệnh đi kèm của mẹ. Vì vậy, muốn tiên lượng bệnh tim, phụ nữ có thai cần được thăm khám toàn diện. Nguyên tắc xử trí: cứu mẹ là chính. Thai phụ cần được nghỉ ngơi ngay từ quý đầu. Nếu giai đoạn này qua mà không có biến chứng thì nên vào viện từ tuần lễ thứ 32 cho tới khi sinh (vì ở những tuần lễ này, cung lượng tim tăng nhiều dễ gây ra những tai biến kịch phát). Có chế độ ăn nhạt và lợi tiểu khi xuất hiện các triệu chứng cơ năng như khó thở, nhịp tim nhanh... Cần đề phòng các bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Quá trình chuyển dạ nhất thiết phải có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa ở những bệnh viện có uy tín. BS TRẦN THỊ KIM THU, Sức Khỏe & Đời Sống