Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

10 trò chơi cho bé 6-9 tháng tuổi


Những hoạt động như gọi tên đồ chơi, nói chuyện điện thoại, chơi kéo co... vừa giúp bé thư giãn, vừa kích thích khả năng quan sát, nhận biết đồ vật xung quanh của bé.

Trò 1: Chơi ‘ú... òa'

Đặt bé ngồi đối diện với bạn. Sau đó, bạn đặt tay lên mặt và nói "ú...". Khi bỏ tay ra khỏi mặt bạn sẽ kêu "òa" thật to với bé.

Bạn có thể lặp lại trò chơi này vài lần cho bé thích thú.

Trò 2: Kéo co

Bạn và bé cùng ngồi đối diện với nhau trên sàn nhà và năm tay nhau. Trước tiên bạn kéo nhẹ bé về phía mình. Bé cũng tự biết cách kéo bạn lại về hướng bé. Có thể vừa kéo co, bạn vừa cười khen bé "Con khỏe quá".

Trò 3: Tung bay

Bạn buộc vài chiếc khăn tay hoặc dây vải chất liệu mềm với nhau. Để bé ngồi trên sàn cùng bạn. Sau đó, bạn bất ngờ tung dây lên trời và từ từ bắt lấy khi dây rơi xuống đất. Làm lại như thế vài lần, bé cũng sẽ bắt chước đưa tay ra hứng dây thích thú.

Trò 4: Bé làm máy bay

Bạn ngồi đối diện với bé trên sàn. Tiếp đến, bạn đặt hai bàn tay nhấc bé lên kèm theo lời gợi ý: "Con bay lên bầu trời nào". Phần lớn các bé đều vui thích với cảm giác được bay trên không như thế này. Lưu ý: Nên nhấc bé lên nhẹ nhàng, đề phòng tai nạn.

Trò 5: Nhận diện gương mặt

Giữ bé cố định trong lòng bạn. Bạn dùng tay sờ lên mũi bé và kêu to: "Mũi của... (tên bé) này". Lặp lại như thế vài lần nhưng bạn nên chuyển đổi từ mũi sang miệng, tai, cằm... bé. Sau đó, bạn gợi ý để bé sờ tay lên mặt mình và hỏi: "Mũi của mẹ đâu? Tai của mẹ đâu?"...

Trò 6: Nhận diện thực phẩm

Đặt bé ngồi an toàn trên chiếc xe đẩy trong khi bạn làm bếp. Mỗi lần bạn cầm một loại rau củ, bạn hãy kêu tên thật to và chỉ ra cho bé thấy; chẳng hạn, "Đây là carrot con ạ. Còn đây là bắp cải"... Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé chơi cùng chiếc thìa gỗ và chiếc bát nhựa để bé quen với việc ăn một mình sau này.

Trò 7: Nhớ tên đồ vật

Bạn ngồi với bé trước một giỏ đồ chơi. Đặt ra ngoài từng món đồ chơi bé yêu thích và gọi tên cho bé nhớ đồ vật. Sau đó, bạn yêu cầu bé nhặt một món đồ chơi theo đúng tên gọi và lần lượt cho vào giỏ.

Tất nhiên, bé sẽ khó mà nhận diện chính xác tên đồ chơi nhưng nếu kiên trì bạn sẽ giúp bé sớm biết tên những món đồ quen thuộc. Ngoài ra, khi bé bò quanh nhà, bạn cũng có thể treo một món đồ chơi nhẹ và đu đưa trước mặt để bé phải bò tới mới lấy được.

Trò 8: Chơi với 3 hình hộp

Đặt bé ngồi trên sàn hoặc trên chiếc ghế riêng của bé. Bạn để hai khối hình hộp đồ chơi trước mặt bé, bé sẽ dùng tay lần lượt túm lấy khối hình. Bạn nhớ chọn khối hình nhỏ để bé có thể cầm 2 khối trong 2 tay. Tiếp đến, bạn đặt thêm một khối hình nữa trước mặt, bé sẽ tìm cách để có cả 3 đồ vật.

Trò 9: Đồ vật trong lòng bàn tay

Đặt một đồ chơi nhỏ vào tay bé. Sau đó, bạn khẽ nắm bàn tay bé lại và hỏi: "Đồ vật đâu rồi". Nói xong, bạn xòe tay bé và chỉ cho bé thấy đồ vật đó đang nằm trong lòng bàn tay bé. Đổi tay và chơi lại trò chơi với bé. Trò này giúp bé xác định vị trí đồ vật và tăng kỹ năng mở, xòe ngón tay cho bé.

Trò 10: Nói chuyện điện thoại

Bạn dùng một chiếc điện thoại đồ chơi, áp tai vào và nói "Chào con". Sau đó, bạn đưa cho bé đồng thời gợi ý để bé nói "a a" qua điện thoại. Lần thứ hai, bạn ghé miệng vào điện thoại nói những cụm từ dài hơn như "mama", "papa"... Bé cũng sẽ nhanh chóng bắt chước theo bạn.

Theo Mevabe