Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tập cho bé chơi một mình


Chơi một mình ? Không thể được ! Xa bố mẹ ? Đừng nói đến chuyện đó! Có một vài trẻ không thể chơi một mình và không chịu rời xa cha mẹ một giây. Liệu bạn có cần phải lo lắng về những đứa trẻ như vậy không ?

Trước 2 tuổi :
Ở lứa tuổi nào thì bé bắt đầu có thể tự chơi một mình được ? Theo Catherine Dumonteil Kremmer, tác giả cuốn sách « Dạy con cách khác»,í t nhất trước 18 tháng bé không có khả năng tự chơi một mình. Nguyên nhân là do trước tuổi này bé chưa hiểu hết được mọi việc. « Qua 9 tháng tuổi, bé bắt đầu có thể chơi một mình trong phòng được vài phút. Nhưng nếu ba mẹ vắng mặt lâu, bé sẽ thấy buồn chán. Khi mẹ đi vắng lâu quá, bé sẽ nghĩ mẹ không còn nữa và bé sẽ không bao giờ được gặp lại mẹ ». Khi bé lớn hơn, bé sẽ dần hiểu ra rằng còn một cuộc sống khác tồn tại bên ngoài thế giới của bé. Nhưng thời gian đầu, bé sẽ cảm thấy nghi ngờ và sợ hãi.

Bạn phải làm gì ?
Đây là giai đoạn bắt buộc phải trải qua. Phần lớn các chuyên gia về tâm lý học cho rằng bạn có thể giúp cho giai đoạn này nhẹ nhàng hơn : « Để làm được điều đó, quan trọng là bạn phải đáp ứng những yêu cầu của bé. Bạn hãy sắp xếp thời gian trong ngày để chơi với bé ». Mặt khác, cũng cần thiết phải tập cho bé quen dần với việc xa bạn bằng cách để bé chơi một mình trong phòng vài phút. Khi bé chơi, hãy mở cửa để bé vẫn có thể nghe được tiếng của bạn. Giọng nói sẽ đóng vai trò chủ yếu. Bạn cần phải nói chuyện với bé, giải thích cho bé hiểu là bé có thể chơi một mình. Chính giọng nói của bạn sẽ giúp bé có thêm sức mạnh để chấp nhận sự vắng mặt của bạn.

Sau 2 tuổi :
Nếu sau hai tuổi bé vẫn còn tiếp tục « đòi » bố mẹ phải có mặt, liệu đó có phải là vì bé thiếu tính độc lập không?Theo nhận định của nhà tâm lý học Lyliane Nemet Pier « Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do bé cảm thấy không an toàn ». Bé không chắc chắn về mối liên kết giữa bé với cha mẹ và bé tìm cách gắn chặt hơn mối liên kết đó bằng cách đòi hỏi sự có mặt của cha mẹ. Mối lo ngại đó sẽ trở nên thường trực hơn khi trong nhà có những xáo trộn mới như : bé có thêm em, trong nhà có người chết, chuyển nhà, bé đi học...

Bạn phải hành động như thế nào ?
Để thiết lập mối liên kết an toàn, bạn cần phải dựa trên ba nguyên tắc cơ bản.
1. Hãy có những cuộc nói chuyện cởi mở: quan tâm đến nỗi buồn của bé, nói chuyện với bé mỗi khi có sự thay đổi trong nhà
2. Nguyên tắc trách nhiệm: hãy cho bé tham gia vào cuộc sống gia đình và những công việc hàng ngày để bé phát triển tính tự tin và vững vàng hơn
3. Đừng cảm thấy có lỗi khi rời xa bé: Thỉnh thoảng bạn đừng ngại gửi bé cho người giúp việc hoặc ông bà. Hãy rút ngắn giây phút chia tay và đừng tỏ vẻ lo lắng khi tạm biệt bé. Bạn hãy giải thích cho bé hiểu việc chia tay chỉ là tạm thời và chỉ diễn ra trong chốc lát .

Hãy buông lỏng dây cương.
Theo chuyên gia phân tích tâm lý Donlal Winnicott, nhiều khi chính cha mẹ là nguyên nhân của tình trạng bé không biết cách tự chăm sóc mình,. Trên thực tế, có những bậc cha mẹ, dù nhiều hay ít, đã từ chối một cách vô thức để con họ lớn lên và phát triển một mình. Dưới mắt họ, sự độc lập, tự chủ sẽ ngăn cản tình yêu của bé giành cho ba mẹ: Nếu bé sống xa tôi, bé sẽ không còn yêu tôi nữa.

Các bậc cha mẹ như trên sẽ không bao giúp con mình phát triển được tính sáng tạo và sự tự do cần thiết để chơi một mình. Theo các chuyên gia tâm lý học, điều quan trọng là phải biết cách nới lỏng sự chiếm hữu. Bạn đừng can thiệp không ngừng vào các hoạt động của bé, đôi khi bạn cũng phải để cho bé biết đến sự buồn chán và cho phép bé rời xa, có như vậy bé mới tự chủ hơn trong các trò chơi và nhất là trong cuộc sống sau này khi bé trưởng thành

Theo Web Trẻ Thơ