Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kích thích bé sáng tạo


Bé sáng tạo thường thông minh, năng động và có tinh thần vui vẻ hơn. Vài gợi ý để bạn tăng cường khả năng sáng tạo cho bé.Thông tin tổng hợp từ Brainychild.

Cho phép bé tự vui chơi
Đơn giản là bạn để bé trong phòng với giỏ đồ chơi yêu thích và tránh chỉ đạo bé phải điều khiển ôtô thế này, xe lửa thế kia mới đúng cách. Bạn cũng không cần phải lớn tiếng quát tháo nếu bé chẳng may mắc lỗi. Bạn chỉ nên ngồi bên cạnh làm việc của bạn và để bé tự xử lý với đống đồ chơi theo cách riêng.

Chấp nhận những ý kiến bất thường của bé
Việc phê phán những ý tưởng theo bạn là ngốc nghếch từ bé sẽ khiến bé thiếu tự tin. Bé chưa đủ nhận thức để hiểu được việc nào là đúng, việc nào là sai nhưng nếu bạn cười nhạo với ý tưởng nào đó, bé sẽ biết xấu hổ.

Bạn nên tôn trọng quan điểm của bé và để bé học cách chịu trách nhiệm với bản thân. Nếu bé muốn cầm chổi và nhanh miệng: "Để con quét nhà cho mẹ", bạn cứ để bé tự làm.

Đa dạng chất liệu đồ chơi
Giấy vẽ và giấy màu đi kèm với bút, bé có thể sáng tạo ra những bức tranh sinh động.

- Những chất liệu có hình dáng tương đồng như viên đá nhỏ, vỏ sò, hạt giống, quả bóng nhỏ (đồ chơi) giúp bé phân biệt chính xác đồ vật và xây dựng những trò chơi học đếm, tạo hình.

- Những chất liệu như bột sáp, đất sét... vừa giúp bé tạo nặn hình vừa khiến đôi tay bé linh hoạt.

Khuyến khích bé đưa nhiều đáp án
Thử hỏi bé một câu, sau đó, bạn kiên nhẫn lắng nghe câu trả lời từ bé. Động viên bé: "Con còn có ý kiến nào không?" hoặc đưa thêm câu trả lời của bạn và gợi ý để bé tự đánh giá. Ngoài ra, bạn cũng nên hướng dẫn bé cách đặt nhiều câu hỏi xung quanh một vấn đề cụ thể.

Không nên giới hạn về thời gian
Bé thường tiêu tốn nhiều thời gian và công sức để hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ được giao. Nếu bạn hối thúc hoặc ra hạn: "Con phải vẽ bức tranh này trong 10 phút nữa", bé sẽ bị ức chế và giảm khả năng sáng tạo.

Khơi gợi quá khứ
Trí tưởng tượng cộng thêm những trải nghiệm đã qua trong cuộc sống sẽ giúp bé sáng tạo nhiều hơn. Nếu bé được tận mắt trông thấy cánh đồng xanh hoặc nhìn ngắm những loài hoa trong công viên, bé sẽ dễ dàng để hoàn thành những bức tranh đẹp hơn.

Mở rộng giao tiếp với bé
Cha mẹ luôn đóng vai trò chính trong quá trình phát triển của bé. Tuy nhiên, bạn bè hoặc những người thân xung quanh cũng sẽ cho bé những bài học quý giá về sự sáng tạo. Bạn nên cho bé tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều độ tuổi khác nhau để bé học hỏi được nhiều điều hay.

Nhấn mạnh đến quá trình hơn là kết quả
Bạn nên bình tĩnh xem xét để đánh giá quá trình hoạt động của bé thay vì cứ nhìn chăm chăm vào kết quả cuối cùng. Nếu bé chưa thể mặc quần áo nhưng đã biết phân biệt chiếc túi áo bên trái với chiếc túi áo bên phải mà chưa cần bạn chỉ bảo thì đó cũng là một hành vi tiến bộ.

Cẩn thận với những rào cản sáng tạo
- Tặng quà và khen ngợi không ngớt: Nếu bé có năng khiếu trong một lĩnh vực nào đó, bạn nên biết cách động viên bé có chừng mực. Sự "tâng bốc" quá cỡ có thể làm giảm khả năng sáng tạo ở bé. Bé sẽ có tâm lý coi mình là "thiên tài" mà không muốn động não suy nghĩ nữa.

- Mua những món đồ chơi "xịn" cho bé: Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm sai lầm rằng, đồ chơi càng nhiều tiền càng kích thích trí thông minh ở bé. Các chuyên gia gợi ý, bạn nên biết cách chọn đồ chơi thông minh cho bé chứ không phải những món đồ có giá cao ngất ngưởng. Sự sáng tạo ở bé, nhiều khi, là cho bé ra ngoài vui chơi với cát bằng đôi chân trần.

Theo mevabe.net