Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm gì khi trẻ luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh


Ai cũng có lúc gặp khó khăn, nhưng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác không giải quyết được vấn đề. Hãy giúp trẻ hiểu rõ điều đó.

 

Từ những bước đi chập chững đầu tiên, trẻ đã phải đối mặt với nhiều điều. Trong số đó không ít khó khăn hay thất bại. Nhiều trẻ khi gặp những vấn đề như bị điểm kém hơn bạn, ít đồ chơi hay quần áo đẹp hơn bạn...thường có thói quen đổ lỗi cho thầy giáo (thiên vị), cha mẹ (không thương con), cho hoàn cảnh. Đó là phản ứng tâm lý bình thường của trẻ, song nếu kéo dài sẽ rất có hại. Nó khiến trẻ mất dần sự tự tin và luôn nhìn cuộc sống thiếu thiện cảm và trở nên khó hòa đồng với xã hội.

Hãy lắng nghe trẻ thực sự

Trẻ có tâm lý oán trách khi gặp việc không vừa ý trong học tập cũng như đời sống thì trước hết cha mẹ nên lắng nghe trẻ thực sự (nếu có thể hãy tỏ ra thân thiện hợp lý như vỗ về an ủi, mỉm cười động viên). Bằng cách đó, bạn sẽ tìm hiểu được sự việc, chỉ bằng những câu hỏi nhẹ nhàng "Con cứ nói đi, mẹ nghe", "Mẹ có thể giúp gì cho con không?". Lưu ý dù con bạn có tâm lý oán trách gì hay đổ tại hoàn cảnh thì cũng không nên cầm roi đánh nó một trận nên thân. Điều đó càng khiến trẻ bị tổn thương nhiều hơn.

Thảo luận thương lượng với trẻ

Trước tiên bạn cũng cần đặt mình vào vị trí của con trẻ để suy nghĩ, xem thái độ ấy của trẻ có hợp lý không. Song như thế không có nghĩa là bạn hùa theo con. Nhẹ nhàng nói với bọn trẻ rằng người hay đổ tại hoàn cảnh và oán trách người khác thường không được mọi người yêu mến và khó làm được việc gì. Hãy đế trẻ hiểu rõ rằng "nhân vô thập toàn" và khuyên trẻ nên biết tự sức và tin tưởng vào bản thân, nhìn thẳng vào hiện thực "việc của mình mình phải tự làm, giấc mơ của mình phải do chính mình thực hiện."

Giúp trẻ khẳng định mình

Mỗi người đều có thế manh, cuộc sống cũng đa màu đa sắc. Dạy trẻ nắm bắt mỗi cơ hội trong cuộc sống, khuyến khích lòng tin của trẻ sẽ có ảnh hưởng tích cực đến tâm lý và hành động của trẻ trong học tập cũng như đời sống. Đối với trẻ học kém, cha mẹ không nên sốt ruột mà nên động viên trẻ "cần cù bù khả năng". Chỉ cần cố gắng thực sự, bỏ nhiều công sức thì trẻ sẽ thu được kết quả như ý.

Khi trẻ gặp thất bại, hãy giúp trẻ học cách tự phân tích nguyên nhân thất bại. Điều này sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc rút kinh nghiệm và học cách giải quyết. Hãy để trẻ hiểu rằng thất bại là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, và không nên đổ tại nguyên nhân cho hoàn cảnh hay người khác. Chỉ cần trẻ một lần có thể đối diện với thất bại thì những lần sau trẻ sẽ không có thái độ oán trách hay sợ vấp váp nữa mà sẽ đứng lên đi tiếp một cách đúng đắn.

Cha mẹ nên làm gương cho con

Là cha mẹ, bạn nên bày tỏ thái độ rõ ràng với việc đổ lỗi cho người khác của trẻ. Trẻ bị điểm kém lỗi không thể tại thầy giáo, việc trẻ không có những đồ xa xỉ không phải lỗi tại cha mẹ...hãy để trẻ hiểu rằng có được mọi thứ trong cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bạn nên tiết chế yêu cầu của trẻ một cách hợp lý, ví như cho chúng tiền tiêu vặt có kế hoạch, tốt nhất là để chúng tham gia lao động những công việc nhà.

Ngoài ra trước mặt con cái, bạn không nên tỏ thái độ bực tức, than trời trách người khi có chuyện không vui trong cuộc sống hay công việc. Bởi nếu bạn đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh thì trẻ cũng vậy, chúng sẽ cho rằng đó là cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất.


Theo Afamily