Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi các con chành chọe


"Mẹ, em Bi giật đồ chơi của con!", "Mẹ, sao không mang thằng Tũn cho bà đồng nát đi"... - con của bạn có thể tức giận thốt lên khi hai đứa chành chọe. Nhà có tiếng trẻ thì vui nhưng chúng hò hét suốt ngày thế này thật mệt mỏi. Phải có cách phân xử chứ.

Tìm hiểu cặn kẽ
Trước hết, bạn hãy nhận định đâu là những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc bọn nhóc "va chạm" và suốt ngày chỉ chực gây lộn với nhau.

Nếu đó là vì một thứ đồ mà cả hai đứa cùng thích, bạn hãy lên "lịch chơi" cho chúng, chị chơi giờ nào, em giờ nào.

Lớn hơn một chút, bọn trẻ có thể tranh giành ngồi máy tính. Bạn cũng phân giờ ngồi máy cho các con và dán lên màn hình.

Trường hợp hai đứa con gái cãi nhau vì tủ đựng đồ, bạn sẽ giúp chúng quy định rõ các ngăn, con nào dùng ngăn nào, nhớ phải công bằng nhé!

Luật "Không mách lẻo"
"Trừ khi những điều con sắp kể với mẹ tránh cho anh con khỏi rơi vào rắc rối. Còn không thì mẹ không muốn nghe". Và bạn hãy thật kiên quyết với luật của mình nhé, sẽ rất có tác dụng.

Đòn tâm lý
Đôi khi tất cả những gì bạn cần làm chỉ là nói cho con biết về cảm xúc của chúng - "Con thấy buồn vì anh đã không rủ con chơi cùng".

Hãy nhớ bọn trẻ không cần thiết phải "ưa" nhau hay thân thiết, nhưng chúng thực sự có lòng kính trọng đối với cảm xúc của anh/chị/em mình.

Tách chúng ra
Nếu được, bạn nên thỉnh thoảng tách bọn trẻ ra: cho chúng chơi với bạn mới (chứ không phải lúc nào cũng là anh/chị/em mình), học bơi khác giờ v.v. Tất cả mọi người, kể cả trẻ con, đều cần có khoảnh khắc riêng tư.

Không điều đình
Đừng thương lượng kiểu "con nhường cho em chơi một lúc nhé, rồi mẹ... (hứa hẹn cho cái này cái kia)... Thay vào đó, hãy dạy các con cách giải quyết vấn đề riêng của chúng.

Lần tới nếu các con còn chành chọe nhau rồi chạy ra mách mẹ, bạn hãy nói: "Hai con có cách nào để giải quyết chuyện này?". Con càng tìm ra cách giải quyết sớm càng tốt cho bạn, và cho cả chúng nữa.

Theo Giadinh