Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài 3: Sự phát triển của hoạt động có đối tượng


Ở lứa tuổi hài nhi, đứa trẻ đã có những hoạt động với các đối tượng xung quanh chúng, tuy nhiên hoạt động đó phần lớn còn bắt chước người lớn.

Bước sang tuổi vườn trẻ, hoạt động có đối tượng của trẻ bước sang một giai đoạn mới, trong giai đoạn này, đặc điểm hoạt động có đối tượng là những chức năng của đối tượng lần đầu tiên được bộc lộ ra trước đứa trẻ trong hoạt động đó. Chức năng của các đồ vật là thuộc tính ẩn tàng của chúng mà trong quá trình hoạt động trẻ sẽ khám phá ra được.

Việc hoạt động có đối tượng của lứa tuổi này không đơn giản chỉ là hoạt động chơi nghịch đơn giản và cần có sự hướng dẫn của người lớn để chỉ cho trẻ nhận biết thuộc tính của đồ vật: Cái ly để làm gì? Cái tủ để làm gì? Cái khăn để làm gì? v.v...

Ở những trình độ phát triển đầu tiên của hoạt động và đối tượng có mối liên hệ cứng nhắc với nhau: Đứa trẻ có thể thực hiện hành động đã lĩnh hội được chỉ với đối tượng được dùng để thực hiện hành động này, vd: chúng ta dạy trẻ cái khăn dùng để lau mặt, và dạy cho trẻ lau mặt bằng khăn, trẻ chỉ lấy khăn để lau mặt, giầy để đi dưới chân khi đi chơi...

Chúng ta cũng có thể phân chia quá trình hoạt động với đối tượng của trẻ trải qua ba giai đoạn đoạn phát triển:
Giai đoạn đầu: mọi hoạt động mà trẻ đã biết đều có thể thực hiện với đối tượng.

Giai đoạn hai: đối tượng chỉ được sử dụng theo chức năng trực tiếp của nó.

Giai đoạn cuối: ta thấy dường như có sự quay về giai đoạn đầu, tức là quay về việc sử dụng đối tượng một cách tự do, nhưng trên một mức độ hoàn toàn khác: đứa trẻ biết chức năng cơ bản của đối tượng.

Đặc biệt, ở lứa tuổi này, ngoài việc khám phá đồ vật, lĩnh hội chức năng của các đồ vật trong sinh hoạt hàng ngày, đứa trẻ cũng lĩnh hội được hành vi ứng xử xã hội của người lớn gắn liền với đối tượng này: ví dụ: khuôn mặt đứa trẻ sợ hãi khi làm rơi cái ly, v.v...

Nếu trong thời kỳ đầu, hoạt động với đối tượng của trẻ chỉ là những hoạt động chơi đơn giản, khi gặp một đối tượng mới, trẻ có thể sử dụng tất cả các phương pháp trẻ biết để khám phá nó: nhìn, sờ, nắm, cắn, đập, lắc... thì ở lứa tưổi này sự định hướng của nó nhằm vào việc tìm hiểu xem đối tượng này dùng để làm gì? Sử dụng nó như thế nào?

Hoạt động của trẻ ngày càng phát triển, trẻ không chỉ dừng lại ở mức độ khám phá một đối tượng mà có thể khám phá cùng lúc hai hay ba đối tượng: hoạt động xâu ghép, hoặc đặt chồng các hộp vào nhau, và trẻ cũng khám phá được mối quan hệ giữa các đối tượng với nhau và cách sử dụng các công cụ đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày: sử dụng ly để uống, chén bát để đựng cơm, muỗng để xúc cơm, giầy, dép để đi...

Tuy nhiên những kết quả có được ở trên không phải tự trong quá trình hoạt động khám phá trẻ có được mà cần phải có sự hướng dẫn của người lớn. Những kiến thức trẻ lĩnh hội được phụ thuộc vào đối tượng mà người lớn cung cấp cho trẻ cùng với những hoạt động, hướng dẫn của người lớn trên đối tượng đó. Đối tượng người lớn cung cấp cho trẻ càng nhiều và gần gũi với trẻ, hoạt động của người lớn trên đối tượng thường xuyên cộng với sự hướng dẫn của người lớn thì kiến thức, sự hiểu biết của trẻ về đối tượng càng phong phú. Đặc biệt trong giai đoạn này, trẻ không chỉ lĩnh hội kiến thức về thế giới xung quanh, sự hiểu biết về các đối tượng: Nó là cái gì? Nó để làm gì? mà trẻ còn lĩnh hội được ở người lớn cách thức hành động và hành vi ứng xử trong quan hệ hàng ngày. Nếu một lần trẻ nhìn thấy người lớn bực tức ném đồ vật trên tay xuống đất với thái độ giận dữ, trẻ cũng sẽ lập lại hành động đó khi trẻ không vừa lòng. Mặc dù có thể sau đó trẻ sợ hãi vì đã vi phạm quy tắc sử dụng đồ vật, cái ly để uống nước chứ không phải để ném bể.

Vậy, đứa trẻ không thể phát triển một cách tự nhiên nếu không có sự can thiệp của người lớn. Vì vậy, người lớn cần dành nhiều thời gian cùng trẻ hoạt động khám phá với các đối tượng, nhằm cung cấp cho trẻ hiểu biết cũng như hình thành cho trẻ cách ứng xử chuẩn mực trong sinh hoạt hàng ngày. Tạo môi trường cho trẻ có điều kiện khám phá và học hỏi và có điều kiện giao tiếp về ngôn ngữ với người lớn nhằm phát triển vốn từ của trẻ.

Ngoài ra cũng cần giúp trẻ thể hiện nguyện vọng của trẻ thông qua lời nói một cách rõ ràng. Bên cạnh nhu cầu giao tiếp ngôn ngữ thì việc tích lũy các ấn tượng diễn ra trong hoạt động có đối tượng cũng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển ngôn ngữ. Các ấn tượng tạo ra cơ sở để lĩnh hội nghĩa của các từ và để liên kết chúng với hình ảnh của các sự vật và hiện tượng trong thế giới xung quanh.

Trúc Giang mamnon.com