Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hướng dẫn: Nhiệm vụ năm học 2005-2006 bậc học mầm non (6793/BGD&ĐT -GDMN Ngày 05/08/2005)


Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2005-2006 bậc học mầm non

Kính gửi: Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành phố


- Căn cứ chỉ thị số 22/2005/CT-BGD&ĐT ngày 29/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành năm học 2005-2006
- Căn cứ quyết định số 23/QĐ-GD&ĐT, ngày 29/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và đào tạo về biên chế năm học 2005-2006 của Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung học sư phạm.
- Bộ Giáo Dục và đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục- Đào tạo về nhiệm vụ cụ thể đối với bậc học mầm non như sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG:
Quán triệt Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP cảu Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, tiếp tục thực hiện Quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, quán triệt những yêu cầu của Luật giáo dục sửa đổi liên quan đến giáo dục mầm non; toàn ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là: tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục mầm non, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, lớp mầm non ở các xã vùng đặc biệt khó khăn, tiếp tục phát triển các loại hình, các trường, lớp mầm non và chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục mầm non thông qua việc thực hiện thí điểm chương trình chăm sóc – giáo dục đổi mới.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Mở rộng quy mô giáo dục mầm non.
- Các tỉnh thành phố tích cực thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Đối với 3 tỉnh đề án chưa được phê duyệt, Sở GD-ĐT cần tích cực tham mưu để UBND tỉnh sớm phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Tập trung chỉ đạo xoá 4 xã “trắng” còn lại về giáo dục mầm non ở 2 tỉnh Bình Dương, Kiên Giang. Mở rộng mạng lưới lớp mẫu giáo 5 tuổi đến tận thôn bản; đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi đều được đến trường, lớp mầm nn theo tinh thần Quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Ở khu vực thành phố, thị xã, vùng kinh tế phát triển chuyển dần trường mầm non công lập có đủ điều kiện sang loại hình đơn vị đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và khuyến khích phát triển các loại hình mầm non dân lập, tư thục theo yêu cầu của Nghị quyết 05/2005/NQ-CP.

- Ở các xã đặc biệt khó khăn tạo điều kiện mở thêm các lớp mầm non trong đó ưu tiên lớp mẫu giáo 5 tuổi và thành lập trường ở các địa bàn có đủ điều kiện.

- Ở các địa bàn khác tiếp tục củng cố phát triển các loại hình giáo dục mầm nonbán công hiện có. Tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, đầu tư trang thiết bị cho trường lớp mầm non theo hướng dẫn Thông tư liên tịch 05/2003/TTLT/BGD&ĐT-BNV-BTC.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia theo Quyết định sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn từ năm 2002-2005 ban hành kèm theo quyết định số 45/2001/QĐ-BGD&ĐT, ngày 26/12/2001 cảu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Phấn đấu mỗi đơn vị tỉnh, thành phố trong năm học có thêm ít nhất 2-3 trường mầm non hoặc mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia.

- Quy mô phát triển giáo dục mầm non tối thiểu của các tỉnh, thành phố năm 2005-2006 xin tham khảo phụ lục kèm theo.

2. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục mầm non.
- Từ năm học 2005-2006 Bộ chỉ đạo thí điểm chương trình chăm sóc – giáo dục mầm non mới trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Hà Nội, HảiPhòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Lai Châu, Đắc Nông, Cần Thơ.
Yêu cầu các địa phương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, chọn cử các cơ sở, cán bộ tham gia thí điểm trong đó có các khoa, trường sư phạm mầm non; đầu tư các điều kiện cần thiết; chỉ đạo các cơ sở thực hiện thí điểm; thực hiện nghiêm túc báo cáo định kỳ, đột xuất với ban chỉ đạo thí điểm TW.

- Đối với các địa bàn khác chỉ đạo thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ theo hướng dẫn chung của Bộ. Tuyệt đối tránh việc cho trẻ mầm non học thêm không đúng quy định. Đối với các thành phố lớn, các Sở chỉ đạo phòng Mầm non và Tiểu học quán triệt trong giáo viên, tuyên truyền cho phụ huynh về việc chuẩn bị toàn diện cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào lớp 1 một cách khoa học, hạn chế tối đa việc dạy trước trẻ mẫu giáo 5 tuổi học viết, làm tính.

- Triển khai năm thứ tư và là năm cuối của chuyên đề  nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với văn học, chữ viết. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động bồi dưỡng giáo viên, bổ sung các điều kiện, chỉ đạo tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen văn học và chữ viết, chú ý các hoạt động phát triển ngôn ngữ mang tính tích hợp theo chủ đề cho trẻ. Có kế hoạch sơ kết đánh giá tuyển chọn sản phẩm các hoạt động của chuyên đề gửi về Bộ. Bộ sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt chuyên đề.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số các Sở chỉ đạo việc nghiên cứu, áp dụng tài liệu hướng dẫn để triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm dân tộc.

- Chú trọng chỉ đạo việc bảo đảm an toàn, phòng tránh các tai nạn thương tích cho trẻ. Tổ chức quán triệt rộng rãi tới người làm công tác chăm sóc trẻ của NTGĐ, nhóm lớp mầm non tư thục “Qui chế chăm sóc nuôi dạy trẻ” được ban hành theo Quyết định 39/QĐUB ký ngày 12/04/1984 của Ủy ban bà mẹ và trẻ em Trung ương.

- Tăng cường chỉ đạo công tác chăm sóc vệ sinh phòng bệng cho trẻ, vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân, quản lý tốt công tác tiêm chủng trong các cơ sở GDMN. Bộ sẽ tổ chức tổng kết dự án giáo dục vệ sinh cá nhân đã triển khai tại 5 tỉnh (Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên) vào cuối năm 2005 tại Hải Phòng. Mở rộng hình thức can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật Xây dựng mô hình thí điểm về can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập tại: Thái Nguyên, Đăk Lăk, TP HCM và trường CĐSP nhà trẻ mẫu giáo TW1.

- Tiếp tục phát huy kết quả của chuyên đề giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non, khuyến khích các hình thức truyền thông về luật giao thông cho giáo viên và cha mẹ trẻ. Mở rộng chương trình Kidsmart ở các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp chăm sóc – giáo dục mầm non và quản lý ngành học.

3. Công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non, phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng.
- Các địa phương có kế hoạch tuyên truyền về những nội dung cơ bản của Quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, về luật giáo dục sửa đổi và các hoạt động chuyên môn của ngành; các cấp quản lý giáo dục chủ động giới thiệu, viết tin, bài cho báo và Tạp chí ngành; trao đổi thông tin trên trang Web mầm non theo địa chỉ www.mamnon.edu.vn

- Các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, và những địa bàn tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ thấp cần mở rộng các hình thức, phương tiện phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ cho các gia đình có con dưới 3 tuổi. Bộ dự kiến tổ chức hội thi có nhiều đối tượng tham gia để tuyên truyền kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ và cộng đồng.

4. Về xây dựng đội ngũ giáo viên.
- Thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW ngày 15/6/2004 của Ban bí thư TW về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, các Sở có kế hoạch cung cấp tài liệu và tổ chức cho giáo viên tham gia bồi dưỡng hè, bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ II. Bộ sẽ tổ chức tập huấn thí điểm can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập, tập huấn giáo dục dinh dưỡng cho một số trường điểm của mô hình, bồi dưỡng 1 số nội dung cần thiết khác cho giáo viên cốt cán. Vào quí IV/2005, Bộ tổ chức hoạt động giao lưu giáo viên mầm non giỏi tại 2 miền và sẽ trao danh hiệu giáo viên mầm non giỏi cho các giáo viên có tài năng và có nhiều cống hiến cho ngành, yêu cầu các địa phương có qui trình lựa chọn giáo viên đi dự và chuẩn bị các nội dụng trình diễn để tham gia giao lưu.

- Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Các Sở Giáo Dục – Đào Tạo tham mưu, triển khai việc tuyển giáo viên vào biên chế nếu đủ điều kiện, thang bảng lương và các khoản phụ cấp, BHXH được thực hiện theo quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ngày 15/6/2005 về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành Giáo Dục và Đào Tạo, Văn Hóa – Thông tin. Đối với giáo viên ngoài biên chế đảm bảo lương, chế độ học tập bồi dưỡng và các chế độ khác theo QĐ 161/2002/QĐ-TTg và Thông tư hướng dẫn 05/2003/TTLT-BGD-BNV-BTC. Đối với các trường mầm non ngoài công lập, tham mưu để thành lập ( nếu chưa có ), kiện toàn tổ chức công đoàn cho các trường.

- Phấn đấu nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn từ 80-85%, các thành phố lớn 90-100%.

5. Về cơ sở vật chất, thiết bị:
- Các địa phương tích cực xây dựng, quy hoạch trường, lớp mầm non theo đề án phát triển giáo dục mầm non các tỉnh. Cần tập trung kinh phí xây dựng trường, lớp mầm non từ nhiều nguồn. Ngành giáo dục đóng vai trò tham mưu, giám sát trong thiết kế, thi công xây dựng trường mầm non để đảm bảo yêu cầu tối thiểu ở địa bàn khó khăn và yêu cầu chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất trường, lớp cho giáo dục mầm non. Hạn chế tối đa hiện tượng quá tải về số cháu trên một lớp.

- Các Sở Giáo Dục – Đào Tạo xây dựng kế hoạch bổ sung thiết bị, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non dựa trên danh mục thiết bị, đồ chơi Bộ ban hành; Bộ sẽ có hướng dẫn và chỉ đạo về danh mục thiết bị đồ chơi phục vụ triển khai thí điểm chương trình chăm sóc – giáo dục mầm non đổi mới. Khuyến khích làm đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên vật liệu tự nhiên, các nguyên liệu bán thành phẩm và động viên sự tham gia, đóng góp thêm của cha mẹ trẻ và cộng đồng.

6. Công tác tổ chức quản lý:
6.1 Về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý: Các Sở Giáo Dục – Đào Tạo cần chỉ đạo tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mầm non từ cấp cơ sở tới cấp trường để đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN trong giai đoạn sắp tới, chuẩn bị đón đầu để triển khai đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2005-2010.

6.2 Về việc thực hiện luật Giáo dục sửa đổi và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính Phủ về xã hội hóa sự nghiệp Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và QĐ 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Các Sở rà soát, bố trí kế hoạch phát triển giáo dục mầm non theo đề án đã được xây dựng, chỉ đạo thực hiện theo lộ trình và các chương trình cụ thể, hợp lý trong năm 2005-2006, 2006-2010, 2010-2015.

- Tiếp tục thực hiện quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ theo đề án, nếu địa phương đã có kế hoạch và nhu cầu chuyển các loại hình công lập, dân lập thành trường bán công, vẫn tiếp tục chuyển cho đến hết tháng 12/2005. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, ưu tiên phát triển loại hình công lập cho trẻ 5 tuổi. Nơi nào không thể mở được lớp mầm non thì học sinh dân tộc được dự thính ở lớp Một 1 năm trước khi chính thức là học sinh lớp một.

- Về đầu tư kinh phí: Quan điểm của Chính phủ về Xã hội hóa là để tăng đầu tư cho giáo dục nói chung trong đó có giáo dục mầm non. Do đó các Sở Giáo dục – Đào tạo cần tiếp tục tăng đầu tư ngân sách và các nguồn thu hợp pháp khác cho giáo dục mầm non. Trước mắt, các địa phương bố trí kinh phí theo hướng dẫn của mục 5.1 và mục 8.5 trong Thông Tư Liên Tịch 05/2003/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC; đối với các tỉnh tỷ lệ đầu tư cho GDMN còn thấp cần phấn đấu đạt mục tiêu “ dành tối thiểu 10% tổng chi Ngân sách nhà nước về giáo dục cho GDMN”

6.3 Về quản lý các dự án: Một số địa bàn thực hiện dự án với các tổ chức UNICEF, UNESCO và các tổ chức phi chính phủ, Bộ sẽ có kế hoạch hướng dẫn riêng phù hợp với yêu cầu của từng tổ chức, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN của địa phương.
Trong năm học 2005-2006 Bộ sẽ tiến hành tổng kết 3 năm thực hiện Dự án giáo dục dinh dưỡng mầm non phối hợp với công ty Dutch Lady và 5 năm thực hiện chương trình Kidsmart.

6.4 Các trường mầm non thuộc doanh nghiệp: Đối với các cơ sở mầm non hoạt động dưới sự quản lý, hỗ trợ của doanh nghiệp, cần tham mưu cho doanh nghiệp phát triển  theo mô hình quản lý của Công Ty Cao Su Việt Nam, tiếp tục đầu tư, đảm bảo các điều kiện chăm sóc và giáo dục trẻ đang không ngừng tăng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.

6.5 Công tác thanh tra, kiểm tra: Các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non, chú ý các trường ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình, nhóm, lớp mầm non tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân nhưng cũng đảm bảo nhu cầu tối thiểu đối với nhóm, lớp mầm non theo quy định của Bộ, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực giáo dục và dinh dưỡng. Phổ biến rộng rãi yêu cầu tối thiểu đối với nhóm, lớp mầm non, triển khai Nghị định 49/2005/NĐ-CP của chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Luật giáo dục sửa đổi và những văn bản hướng dẫn thi hành kèm theo. Phát huy kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 161/2002/QĐ-TTg, hưởng ứng Đại hội thi đua yêu nước trong toàn ngành giáo dục, hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành giáo dục mầm non ( 1946 -2006 ); đề nghị các địa phương phát động phong trào thi đua rộng rãi, động viên đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tích cực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động liên hoan văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập ngành.

- Căn cứ vào hướng dẫn trên đây, yêu cầu các Sở Giáo Dục – Đào Tạo chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của năm học đối với bậc học mầm non và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo ( Vụ Giáo Dục Mầm Non ) để được hướng dẫn, giúp đỡ.

KT. Bộ Trưởng
Thứ trưởng
Đặng Huỳnh Mai
( Đã ký )