Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ


Có đến 5% trẻ em so với 2% người trưởng thành bị dị ứng thức ăn. Điều này cho thấy sự phát triển chưa hoàn thiện của hệ tiêu hóa, miễn dịch đã làm trẻ em dễ bị dị ứng thức ăn hơn.

Dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ
Dị ứng thức ăn thường gặp ở những trẻ bú sữa bột (sữa bò) và trong gia đình có bố (mẹ) hay người thân bị dị ứng (thức ăn, phấn hoa, thuốc...), hen suyễn, chàm, mề đay. Nếu cả bố, mẹ đều bị dị ứng thức ăn thì tỉ lệ bé bị dị ứng là 62%, nếu chỉ 1 người bị thì tỉ lệ là 37%. Thức ăn thường gây dị ứng ở trẻ nhỏ là: Lòng trắng trứng, sữa bò và tiếp sau đó là đậu phụng, lúa mì, (bột) xương cá (trong khi người lớn dễ bị dị ứng với cá, sò, ốc, tôm, cua, đậu phụng, hạt từ cây). Biểu hiện là những mảng da ửng đỏ kèm ngứa ở vùng đầu mặt (đối xứng ở má, trán, sau tai, quanh mắt) hay toàn thân (nặng hơn), làm cho bé dụi, cào gãi liên tục, mất ngủ, ăn kém, sụt cân hay quấy khóc ban đêm.

Phòng ngừa dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ
Cách phòng ngừa dị ứng thức ăn tốt nhất ở trẻ sơ sinh là nên cho trẻ bú sữa mẹ trong tối thiểu 4-6 tháng đầu (không bú thêm sữa bột), vì nó làm giảm tối đa việc tiếp xúc với các protein lạ, giúp hoàn chỉnh lớp bảo vệ ở ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng (nhiễm trùng làm dị ứng dễ bùng phát). Ở những trẻ này, nên bắt đầu cho ăn thức ăn đặc sau 6 tháng và khởi đầu bằng: Gạo, thịt heo, thịt gà, chuối, lê, rau quả (không ăn đậu) và các loại dầu tinh chế (không còn protein để gây dị ứng). Cần tránh những loại thực phẩm có thể gây dị ứng như: Sữa bò, đậu nành, cam, quýt và lúa mì trong năm đầu, đặc biệt: trứng, đậu phụng và (bột) xương cá thì chỉ nên dùng sau 2-3 tuổi.

Có thể bạn chưa biết: Khi phải kiêng cữ nhiều loại thực phẩm (dễ gây dị ứng) thì cần bổ sung thêm cho trẻ một số chất như calci và các vitamin nhóm B.

Đa số các trẻ bị dị ứng thức ăn đều có thể dung nạp được sữa, trứng và rau quả. Những trường hợp dị ứng nặng và dị ứng với các loại hạt (đậu phụng, hạt từ cây), động vật biển (cá, tôm, cua, sò, ốc) thì có xu hướng kéo dài cả đời. Ngoài ra, trẻ bú mẹ bị dị ứng thức ăn thì người mẹ cần nên tránh các loại thức ăn thường gây dị ứng (sữa bò, trứng, đậu phụng, thực phẩm biển) vì các protein này có thể đi vào sữa mẹ và gây mẫn cảm cho bé.

Phòng ngừa dị ứng thức ăn từ khi mang thai
Các biện pháp phòng ngừa dị ứng thức ăn chỉ nên xem xét ở trẻ sơ sinh có bố hay mẹ bị dị ứng thức ăn. Nếu người mẹ ăn uống không đủ dinh dưỡng hay bị căng thẳng (stress) trong giai đoạn mang thai thì em bé sinh ra cũng dễ bị dị ứng. Trong 3 tháng cuối thai kỳ và khi đang cho con bú thì người mẹ nên tránh các loại thức ăn thường gây dị ứng vì các protein này có thể từ máu của mẹ, qua nhau thai và vào cơ thể của bé.

Loại sữa ít gây dị ứng cho trẻ em
Nếu mẹ thiếu sữa và trẻ bị dị ứng sữa bò thì phải dùng loại sữa cho trẻ có công thức đã bị thủy phân 1 phần hay hoàn toàn. Những sữa này cũng là sữa bò đã được thủy phân bằng nhiệt hay enzyme để giảm đi sự dị ứng. Quá trình thủy phân càng hoàn hảo thì sữa càng ít gây dị ứng, tuy nhiên sẽ làm giá thành mắc hơn nhiều và làm sữa mất đi mùi vị hấp dẫn (các trẻ lớn sẽ không chấp nhận). Sữa đậu nành thì lại có mùi vị kém và cũng có khả năng gây dị ứng (20% trẻ dị ứng sữa bò cũng dị ứng với sữa đậu nành). Sữa dê cũng khó thay thế được, vì nó có thể gây phản ứng chéo với chất casein trong sữa bò và chứa ít acid folic.

Hướng dẫn trẻ em về dị ứng thức ăn
Cần phải hướng dẫn, giáo dục cho những trẻ bị dị ứng thức ăn những phương cách nhận biết và phòng ngừa loại thức ăn mà chúng bị dị ứng. Báo cho tất cả những người chăm sóc trẻ (vú nuôi, cô giáo...) biết rằng con bạn bị dị ứng thức ăn và cụ thể những loại thức ăn mà nó bị dị ứng. Nếu bé còn nhỏ thì có thể cho đeo thẻ Cảnh giác Y khoa về tình trạng dị ứng thức ăn. Nếu bé đã lớn thì phải giải thích và căn dặn thường xuyên về dị ứng thức ăn để bé có thể tự biết để kiêng cữ hay biết cảnh báo với người khác về tình trạng của mình khi đi ăn ở ngoài. Ngoài ra cũng cần phải dạy cách ứng phó trong những trường hợp bị dị ứng trầm trọng.

( Theo giadinh )