Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bà bầu không giữ gìn, con mang dị tật


Trong lúc mang thai, chị Linh phải đứng suốt ngày bên lò than quán cơm. Do đó, con gái chị sinh ra bị dị tật tim bẩm sinh, tính mạng bị đe dọa.

 

Nhìn vóc dáng xanh xao, gầy gò, nặng vỏn vẹn 18 kg của Hương, không ai nghĩ cháu đã 9 tuổi. Em bị dị tật tim bẩm sinh, phải làm "khách quen" của khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương 9 năm qua.

Gần đây, Hương khó thở, tức ngực về đêm, người mệt lả. Các bác sĩ cho biết, cháu bị suy tim độ 3, cần phẫu thuật sớm để tránh nguy cơ tử vong.

Chị Thục Linh - mẹ em, kể lại: "Ngày mang thai Hương, cuộc sống vất vả, tôi phải đi làm thuê cho quán cơm. Suốt ngày đứng bên lò than nên không có điều kiện và thời gian chăm sóc cho cháu".

Chị Mai Khương ở Lý Nhân, Hà Nam cũng có con bị tim bẩm sinh đang điều trị tại khoa tim mạch. Chị cho biết, 3 tháng đầu mang thai, chị bị cảm cúm liên tục, khó ăn uống. Sau khi sinh một tháng, thấy con cứ tím tái dần, khó thở và không tăng cân, chị đưa đến bệnh viện mới biết bé bị dị tật tim thông liên thất, gây tăng áp động mạch phổi nặng.

Các bác sĩ đều khẳng định, tỷ lệ mắc dị tật tim bẩm sinh ở trẻ là gần 1%. Như vậy, trong 1,5 triệu bé ra đời trong một năm ở Việt Nam, ước tính có gần 12.000 trẻ bị dị tật tim bẩm sinh.

Theo tiến sĩ Phạm Hữu Hòa - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có 50 đến 80 trẻ dị tật tim bẩm sinh tới khám. Các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh này nhưng một điều chắc chắn là nếu người mẹ quản lý thai nghén không tốt, đặc biệt ba tháng đầu, thì bé cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Trong quá trình mang thai, nếu thai phụ bị nhiễm trùng, uống nhiều rượu, tiếp xúc với hóa chất, tia xạ, dùng thuốc an thần, nội tiết tố hoặc mắc các bệnh tiểu đường, lupus ban đỏ..., bé sinh ra sẽ dễ bị dị tật bẩm sinh.

Có thể chết trước tuổi trưởng thành

Tiến sĩ Hòa khẳng định, chỉ một số bé dị tật tim nhẹ tự lành trong quá trình phát triển. Số còn lại nếu không được phẫu thuật hoặc can thiệp sớm sẽ gặp biến chứng nặng như tăng áp động mạch phổi, suy tim, tắc mạch não, áp xe não, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn, dẫn đến tử vong trước tuổi trưởng thành. Những loại dị tật như chuyển gốc động mạch, teo tim, hẹp eo động mạch chủ nặng... còn có thể khiến trẻ chết ngay sau sinh.

Theo giáo sư Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, hiện chưa có chương trình sàng lọc quốc gia về phát hiện dị tật tim bẩm sinh nên tỷ lệ bé mắc bệnh sau sinh khá cao. Để phòng tránh, người mẹ cần lưu ý đến thai nghén, khám định kỳ nhằm phát hiện sớm để có cách xử lý.

Giáo sư Khải khuyến cáo, thai phụ nên đề phòng các bệnh nhiễm trùng, không uống rượu, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc an thần... Khi thấy bé có dấu hiệu sốt, ho kéo dài, chậm lên cân, khó thở, hay vã mồ hôi, ngực nhô, nhịp tim không đều, cần đưa đi khám tại các chuyên khoa.

Những bé dị tật sứt môi, dị dạng cột sống, không có hậu môn... cũng cần được khám vì nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Sau phẫu thuật, bệnh nhi cần khám định kỳ, tăng cường chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Hạn chế để trẻ khóc nhiều, tập thể dục quá sức, lo lắng về tâm lý.

Theo Đất Việt