Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Không quát mắng khi trẻ nói tục


Đừng la mắng, đánh đập khi con nói bậy. Hình phạt lớn nhất là tỏ thái độ nghiêm khắc, không cho phép nó được tự do thực hiện những điều mình thích.

Ở trẻ nhỏ khi buột miệng nói ra lời nói tục một cách ngẫu nhiên và hoàn toàn rất ngây thơ. Trẻ nói như vậy có khi chỉ là sự bắt chước. Thậm chí nhiều khi trẻ không hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa của những lời nói tục đó, nhưng chúng nhận thấy rằng, những người xung quanh có thái độ khá "đặc biệt" đối với những lời nói đó. Ví dụ: bố mẹ im lặng, cô giáo cau mặt, tỏ vẻ không hài lòng. Trẻ dường như đã tìm được thêm một cách mới để tự khẳng định mình: bé đã nói chuyện như người lớn!

-

Nguyên nhân khiến trẻ nói tục
Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Trước hết đó là sự trưởng thành của con bạn và tiếp đến là văn hoá xã hội nói chung. Đa số các em học được những từ này từ bè bạn, ở trường học, thậm chí ở cả vườn trẻ hoặc khi xem ti vi.

Trẻ nhỏ thường "thấm" những từ ngữ mới rất nhanh và sẽ tìm lúc để sử dụng, ngay cả khi còn chưa kịp hiểu ý nghĩa của những từ đó là gì. Phản ứng của người lớn thường là gay gắt làm các em càng ghi nhớ những từ ngữ đó và sẽ tranh thủ dùng chúng khi các em cáu hoặc buồn, hoặc đơn giản chỉ để chứng tỏ sự độc lập của mình.
Với các em vị thành niên, việc chửi bậy được coi là biệu hiện của sự trưởng thành và sành điệu.

Đằng sau việc chửi bậy của bé có thể là cả một vấn đề tiềm ẩn. Nếu bé vẫn chứng nào tật ấy, bạn hãy hỏi chuyện xem việc học hành của bé thế nào, quan hệ với bè bạn ra sao hoặc bé có điều gì khó giãi bày chăng?

Cách dạy dỗ khi con nói tục
- Đừng bỏ qua khi con nói tục, càng không được cười vui vẻ vì dễ khiến trẻ hiểu nhầm là bạn đồng tình với những lời nói của trẻ. Bạn không nên nghĩ rằng con mình còn nhỏ, chưa biết gì, lớn lên chút nữa sẽ biết xấu hổ và tự bỏ thói xấu. Nếu bạn im lặng bỏ qua, trẻ cũng sẽ hiểu rằng bạn đồng tình với những câu tục và chúng sẽ nói với tần số nhiều hơn.

- Hãy giải thích cho trẻ rằng, nói như vậy là không ngoan, các bạn sẽ không chơi cùng. Đừng la mắng, đánh đập khi con nói bậy. Hình phạt lớn nhất là thái độ nghiêm khắc, không cho phép nó được tự do thực hiện những điều mình thích. Mưa dầm thấm lâu, cùng với sự kiên trì của người lớn, trẻ sẽ hiểu ra và không nói bậy nữa.

- Hãy giao lưu với con: Bạn hãy giải thích cho con biết ngoài việc chửi bậy, người lớn cũng có vô số cách để bày tỏ sự căng thẳng, thất vọng, cáu kỉnh. Mặc cho người khác chửi, các em không nên bắt chước.

- Hãy là người gương mẫu: Bạn đừng bao giờ nói bậy trước mặt bé. Một khi bé nghe được từ miệng bạn những từ bậy bạ, khi lớn lên bé sẽ bắt chước. Đặc biệt, trong sinh hoạt hằng ngày, người lớn hãy nói những lời ngọt ngào với nhau như yêu con, thương con, dạ, vâng... để trẻ nghe quen dần và biến thành ngôn ngữ của riêng chúng.

Theo aFamily