Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Không nhận trẻ ốm: Quy định sao cho "thấu tình đạt lí"


Việc sở GD-ĐT Hà Nội chủ trương các trường mầm non "không nhận trẻ ốm đến trường, phụ huynh phải cam kết về việc gửi con, gửi thuốc và chịu trách nhiệm về sức khỏe của trẻ". Vấn đề này đã thật sự gây "sốc" cho các phụ huynh bởi sự rắc rối đảo lộn việc sinh hoạt thường nhật...

Các trường lúng túng

Trưa ngày 28/11, khi các cô giáo trường mầm non Bình Minh (quận Hoàng Mai) đánh thức các bé lớp B3 dậy sau giấc ngủ trưa thì phát hiện bé Vũ Đăng Khôi, sinh ngày 22/11/2005 đang lịm đi. Bé Khôi tử vong ngay sau đó. Trước cái chết đau lòng của Vũ Đăng Khôi, sở GD-ĐT Hà Nội, đã gửi công văn số 1694 yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện... chỉ đạo các trường mầm non nghiêm túc thực hiện Quy chế nuôi dạy trẻ - được ban hành theo quyết định số 1115, ngày 7/11/2001.

Trong đó có nội dung: trẻ có sức khỏe bình thường mới được nhận vào lớp; trẻ bị bệnh dịch (sởi, thủy đậu, quai bị, ho gà, đau mắt đỏ...) sốt cao hoặc có triệu chứng bất thường, cần được trả lại cho gia đình chăm sóc và kịp thời đưa trẻ đi khám bệnh; trong trường hợp cá biệt cháu bị mệt, phụ huynh vẫn yêu cầu gửi con và có gửi kèm theo thuốc thì chỉ nhận các loại thuốc thông thường như thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc ho, thuốc bổ có hướng dẫn sử dụng cụ thể, đầy đủ (về liều lượng, thời gian). Phụ huynh phải kí nhận cam kết việc gửi con, gửi thuốc và chịu trách nhiệm về sức khỏe của trẻ. Các nhóm, lớp mầm non duy trì việc ghi chép, theo dõi đón - trả về trong nhật kí đón - trả trẻ.

mamnon6.jpg

Một giờ học ngoại khoá của trường mầm non  Hoa Mai (Cầu Giấy - Hà Nội)

Ngày 10/12 hầu hết các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai thực hiện quy định trên. Theo phản ánh của ban lãnh đạo các trường mầm non, nội dung trong công văn chưa cụ thể, nhiều điểm chưa rõ răng nên trong quá trình thực hiện các trường lúng túng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, hiệu trưởng trường mầm non Mai Dịch (Hà Nội) tâm sự: "Sau khi nhận được công văn, tôi đã cho triển khai thực hiện. Đầu tiên, chúng tôi bắt giáo viên phải làm giấy cam kết thực hiện đúng nội dung công văn. Tuy nhiên, trong công văn có đoạn "trong trường hợp cá biệt trẻ bị mệt, phụ huynh vẫn yêu cầu gửi con và có gửi kèm thuốc thì chỉ nhận các loại thuốc thông thường như: thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc ho, thuốc bổ". Thuốc ho có năm bảy loại thuốc ho, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi cũng có hàng chục loại. Nhà trường không biết nhận loại nào, không nhận loại nào".

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ trường mầm non Mai Dịch lúng túng trong việc nhận thuốc. Các trường, như: Mầm non Hoa Hồng (Thái Thịnh), mầm non Họa Mi (Từ Liêm), mầm non tư thục Đội Cấn đều rơi vào tình trạng như vậy. 

Một giáo viên trường mầm non Hoa Hồng cho biết: "Cán bộ y tế trường mầm non, chủ yếu là trình độ trung cấp Y, không phải ai cũng rành về dược. Một số trường mầm non tư thục còn không có cán bộ y tế. Vì vậy, việc phân biệt các loại thuốc rất khó, nếu không cẩn thận thì lợi bất cập hại. Theo tôi, công văn nên ghi rõ cụ thể hơn nữa để các trường không lúng túng trong khâu thực hiện".

Không chỉ lúng túng trong việc phân loại thuốc, các trường mầm non còn rơi vào trường hợp khó xử. Chị Nguyễn Thanh Bình, giáo viên một trường mầm non tư thục ở Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Nhiều khi đưa trẻ đến trường không phải là cha mẹ, ông bà mà là người giúp việc. Việt bắt người giúp việc thay mặt phụ huynh kí vào giấy cam kết là không thể. Nếu trả về, gia đình không hiểu lại tưởng nhà trường gây khó khăn".

Gia đình khó khăn

Hiện tại, thời tiết đang ở giai đoạn giao mùa, trẻ em ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo rất hay ốm. Quy định 1694 của sở GD-ĐT đã gây cho phụ huynh không ít khó khăn. Chị Phạm Thanh Hương nhà ở Giáp Bát - Hà Nội, cho biết: "Những tháng cuối thu, đầu đông trẻ rất dễ ốm. Có thể một tháng ốm 2-3 lần, mỗi lần kéo dài hàng tuần. Lâu nay, việc ốm sơ sài như vậy, chúng tôi vẫn đưa cháu đến trường và gửi thuốc nhờ cô cho cháu uống, có vấn đề gì đâu. Nếu bây giờ, Sở GD-ĐT quy định không nhận trẻ ốm thì có khác gì bắt bố mẹ cháu ở nhà để trông con. Điều đó đối với tôi thật là khó khăn. Vì vợ chồng tôi đều là công nhân may, hưởng lương theo sản phẩm. Nếu tôi nghỉ, đồng nghĩa với việc cả nhà phải nhịn ăn".

Cùng trong hoàn cảnh của chị Thanh, chị Hải một công nhân nhà máy Canon (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) nói: "Con ốm nặng thì không bà mẹ nào nỡ giao con cho nhà trường, nên không phải ra quy định thì chúng tôi cũng để con ở nhà chăm sóc. Nhưng trường hợp cháu ốm vặt thì sở GD-ĐT, nhà trường cũng nên tạo điều kiện cho gia đinh. Có như vậy, chúng tôi mới đi làm được".

Chị Nguyễn Thùy Chi ở Đội Cấn - Hà Nội, phàn nàn: "Quy định của sở GD-ĐT không thể chấp nhận được. Trẻ dù chỉ mệt sơ sài cũng phải điều trị bằng thuốc theo đơn của bác sĩ, uống đúng giờ, đúng liều và đúng thuốc. Nếu chỉ nhận thuốc thông thường như: nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc ho thì không thể khỏi bệnh được".

Không chỉ việc không nhận trẻ ốm, việc sở GD-ĐT quy định phụ huynh phải làm giấy cam kết để gửi con, gửi thuốc khiến nhiều phụ huynh phàn nàn. Theo giải thích của các phụ huynh thì buổi sáng, thời gian rất bận. Ai cũng vội vàng, lo cho con ăn sáng xong, đưa đến trường, để đến cơ quan làm việc. Nếu phải làm đơn, kí tá sẽ mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa khi trẻ nhìn thấy mẹ phải kí tá, giải thích với cô, gây cho chúng tâm lý sợ sệt.

Chị Phương Thanh (Cầu Giấy - Hà Nội) kể: "Cách đây 2 ngày, con tôi bị ho, đưa đến trường các cô không nhận. Sau khi giải thích, các cô bắt phải viết giấy cam đoan, đến tận 9h tôi mới đi làm được. Nhưng quan trọng là sau khi xong thủ tục cam kết, cô con gái 4 tuổi của tôi tỏ ra sợ hãi và nhất định không chịu ở lại lớp nữa".

Theo nhiều phụ huynh, sở GD-ĐT nên xem xét lại quy định của mình. Còn không, Sở nên đề nghị bộ Lao Động thương binh và Xã Hội ra thêm luật mới là trả lương cho mẹ ở nhà trông con ốm.

Rất đông phụ huynh có ý kiến đề nghị sở GD-ĐT Hà Nội nghiên cứu lại quy định trên làm sao cho "thấu tình đạt lý" vừa thuận lợi cho nhà trường và cả cho phụ huynh.

Theo tintuconline.com.vn