"Học ngoại ngữ vui" ở bậc mầm non "It’s cold, it’s cold, it’s very, very cold", (Trời lạnh, trời lạnh, trời rất lạnh, rất lạnh) Maximilian hát bằng tiếng Anh, vòng hai tay ôm lấy người và giả vờ như run rẩy vì lạnh. Các bạn học của cậu cũng làm đúng như vậy. "It’s snowing outside!" (ngoài kia tuyết đang rơi kìa!). Các em hô to, những ngón tay ngúc ngoắc thể hiện cảnh tuyết rơi. Màn biểu diễn kết thúc bằng câu: "I need my mittens!" (Cháu cần gǎng tay) và các "diễn viên nhí" lại đóng giả động tác đang xỏ gǎng vào giữa các ngón tay. Maximilian và các bạn cùng lớp, tất cả đều là những công dân Đức chính cống. Đây là một trong những giờ học tiếng Anh theo phương pháp mới trong đó các em học từ và ngữ pháp qua các bài hát, giai điệu hay những trò chơi vui nhộn. Bà Erika Groll, Hiệu trưởng trường mẫu giáo Baldham, nói: "Với các em đó đơn thuần chỉ là sự vui vẻ và những trò chơi. Và các em bắt đầu hiểu tên của các đồ vật bằng tiếng nước ngoài mà không phải ra công học thuộc lòng những từ mới. Đó chính là phương pháp tiếp cận đa giác quan, với những trò chơi, bài hát và những điệu nhảy giúp cho trẻ em trở nên quen thuộc với ngôn ngữ mới mà không phải học quá nhiều về ngữ pháp và từ vựng". Bà Gorll, người đã từng dạy tiếng Đức cho HS Pháp trong trường école Maternelle, thành phố Bordeaux vào những nǎm 70, nói tiếp: "Trẻ em từ 6 đến 7 tuổi thường học một thứ tiếng mới theo cách mà chúng tập nói tiếng mẹ đẻ: qua nghe chứ không phải bằng từ vựng hay bất cứ phương tiện trợ động từ nào khác". Từ nǎm nay, đã có 12/16 bang của Đức áp dụng các bài học ngôn ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, bắt đầu từ lớp 3. Trước khi ngoại ngữ được đưa vào chương trình tiểu học, HS Đức không phải học ngôn ngữ mới nào ngoài tiếng mẹ đẻ cho tới hết lớp 5. Đây sẽ là một bất lợi cho các em khi đột nhiên phải đối mặt với một thứ tiếng mới cùng với hàng loạt mệnh đề, nguyên tắc, cấu trúc rối rắm, nhất là tiếng Pháp. Phương pháp học ngoại ngữ vui ở mầm non chính là nhằm khắc phục những bất lợi đó cho các em. Theo GDTĐ |