Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con biết lựa chọn


Dạy con biết lựa chọn và chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình chính là định hướng cho con biết tự lập và biết đưa ra quyết định trong tương lai.

Việc tạo cơ hội cho trẻ biết lựa chọn và quyết định khi nào là hợp lý nhất? Lứa tuổi mầm non có cần thiết tạo cơ hội cho trẻ lựa chọn? Dạy trẻ lựa chọn và đưa ra quyết định như thế nào là đúng? Đây là câu hỏi mà các bậc phụ huynh rất quan tâm.

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cùng chia sẻ với nhau hai câu chuyện sau:

Câu chuyện thứ nhất: Bill 4 tuổi, cậu bé sống trong một gia đình khá giả và luôn được sự quan tâm, yêu thương của người lớn. Đặc biệt là sự dạy dỗ của cha. Có một lần, dịp sinh nhật cậu bé tròn 4 tuổi, cha cậu bé gợi ý, ‘Con muốn ba tổ chức sinh nhật con ở đâu? Ở nhà hàng hay ở nhà?'. Cậu bé suy nghĩ và phân vân nói với ba, ‘Con muốn tổ chức sinh nhật cả 2 nơi, được không ba?'.
Không trả lời con trai, ông bố nói, ‘Bill vào lấy cho ba 2 cái ghế nào!'

Khi Bill mang hai cái ghế ra, ba Bill nói, ‘Con hãy ngồi lên cùng một lúc hai cái ghế nào!'.
‘Con thấy đấy, nếu để hai cái ghế cách nhau, con không thể ngồi trên cả hai cái, vì có thể con sẽ bị ngã ở khoảng trống giữa hai cái ghế.'

Bài học về hai cái ghế luôn được ba cậu nhắc nhở cậu cho đến khi cậu trưởng thành, và nhắc nhở cậu luôn cân nhắc khi lựa chọn và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
Khi đã trở thành một người cha, Bill vẫn luôn dạy con mình ‘bài học hai cái ghế' và luôn tạo cơ hội cho con có sự lựa chọn và tôn trọng sự lựa chọn của con.

Câu chuyện thứ hai: Jeanny là một cậu bé thông minh và luôn được sự yêu thương của ba mẹ và ông bà. Mọi người trong gia đình luôn dành mọi điều tốt đẹp nhất cho cậu bé, từ việc chọn cho bé đôi giày, quần áo, đến môn học năng khiếu, trường đại học...

Ngay từ nhỏ cho đến lớn, cậu bé luôn được sự bảo bọc của người lớn, chưa bao giờ cậu phải tự quyết định hay lựa chọn cái gì. Bây giờ dù đã trưởng thành, cậu cũng không tự quyết định được, và luôn cảm thấy khó khăn khi phải lựa chọn hoặc quyết định một vấn đề nào đó.

Hai câu chuyện trên cho thấy, cùng yêu thương con nhưng với hai cách giáo dục khác nhau, tạo ra hai con người hoàn toàn khác nhau. Một người tự tin và quyết đoán, một người luôn phân vân trước sự lựa chọn hay phải quyết định vấn đề nào đó.

Trong cuộc sống hiện tại, để chuẩn bị tương lai cho con mình, tạo cho trẻ sự tự tin và quyết đoán, có trách nhiệm với chính việc làm của mình là điều cần thiết.

Ngay từ khi trẻ còn lứa tuổi mầm non, tạo cơ hội và hướng bé vào các hoạt động mà yêu cầu trẻ phải lựa chọn đồng thời có trách nhiệm đối với sự lựa chọn của mình.

Những hoạt động thường ngày cũng có thể dạy bé về điều này: dắt bé đi siêu thị và cho bé chọn những món đồ cần thiết cho bé. Có thể sau đó về nhà bé không thích món đồ đó nữa mà thích món đồ khác của anh (chị, em) hơn nhưng bé vẫn phải sử dụng món đồ đó, vì đó là sự lựa chọn của bé.

Ngay cả trong cách chọn đồ chơi và các hoạt động vui chơi cũng vậy, người lớn không nên cho trẻ cả núi đồ chơi mà chỉ cho trẻ chọn một vài đồ chơi và chơi với những đồ chơi đó. Không nên đáp ứng tất cả yêu cầu của trẻ mà tạo điều kiện cho trẻ chọn lựa, và đáp ứng một trong những yêu cầu đó của trẻ.

Một điều quan trọng là người lớn phải để cho trẻ lựa chọn và quyết định. Người lớn có thể hướng dẫn hoặc gợi ý cho trẻ nhưng không nên làm thay trẻ, vì như vậy sẽ tạo nên sự ỷ lại và không quyết đoán trong hành động của đứa trẻ.
Sự thành công của trẻ trong tương lai phụ thuộc vào chính sự giáo dục đúng đắn của chúng ta ngày hôm nay.

Quỳnh Giao mamnon.com