Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ học giỏi do có trí tưởng tượng tốt


Một nhà giáo dục người Nga nói: "Trí tưởng tượng linh hoạt, phong phú chính là đặc tính quan trọng của trí tuệ". Trí tưởng tượng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập của trẻ.

Nếu không có trí tưởng tượng tốt, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm, các hình minh họa trong mỗi bài giảng, khi làm văn cũng sẽ không biết miêu tả một cách sinh động. Trí tưởng tượng còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về sức sáng tạo của trẻ, trong khi những phát minh nổi tiếng trên thế giới đều bắt đầu từ trí tưởng tượng mà thành. Để nâng cao trí tưởng tượng của trẻ, bạn có thể bắt đầu từ một số gợi ý dưới đây:

1. Khai thác những biểu tượng, hình ảnh phong phú trong bộ não của trẻ. Biểu tượng chính là những hình ảnh, sự vật, sự việc ở thế giới bên ngoài được trẻ lưu lại trong bộ não. Và đây chính là cơ sở cho trí tưởng tượng của trẻ, vì thế những biểu tượng này càng nhiều, trí tưởng tượng sẽ càng phong phú. Dẫn trẻ đi xem triển lãm, thăm viện bảo tàng, đi dã ngoại, tham gia các hoạt động công ích hoặc đi thăm họ hàng..., tất cả đều làm phong phú thêm "kho hình tượng" của trẻ. Để giúp trẻ nhớ nhiều, nhớ lâu, nhó chính xác, có thể bảo trẻ kể lại những chuyến đi, hoặc cho trẻ viết nhật kí để làm tái hiện "kho hình tượng" của trẻ.

2. Làm phong phú những tích lũy về ngôn từ cho trẻ. Trí tưởng tượng luôn dựa trên hình tượng, nhưng cũng không tách khỏi ngôn từ, đặc biệt khi cần dùng lời nói hoặc chữ viết thuật lại sự tưởng tượng thì ngôn từ đóng vai trò thực sự quan trọng. Vì thế, hãy tích lũy thêm vốn từ cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ chép lại một đoạn văn, đoạn thơ trẻ thích, thỉnh thoảng đem ra đọc lại.

3. Ủng hộ trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoại khóa. Bởi mỗi hoạt động ngoại khóa nhỏ này đều lưu lại trong trẻ rất nhiều hình tượng, hơn nữa khi tham gia những hoạt động này, trẻ cần phát huy trí tưởng tượng và sức sáng tạo của mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, điều này rất có ích cho việc nâng cao trí tưởng tượng của trẻ. Khi những thành quả hoạt động của trẻ được công nhận hoặc khen thưởng, tính tích cực của những hoạt động này càng được phát huy, và trí tưởng tượng của trẻ cũng sẽ phát triển mạnh mẽ.

4. Cổ vũ, khích lệ trẻ viết truyện, kể truyện. Trẻ thường rất thích viết truyện hay kể truyện, có khi kể cho bạn, có khi kể cho cha mẹ nghe. Đây là cách tốt để rèn luyện kĩ năng biểu đạt, cũng là cơ hội tốt để phát triển trí tưởng tượng cho trẻ. Bạn nên tích cực khích lệ bé kể truyện, không nên nghe một cách hời hợt hoặc ngắt bé kể truyện một cách tùy tiện. Bạn có thể hướng dẫn bé kể truyện dựa trên một chủ đề nào đó, bạn nên nghe và khen thưởng, tuyên dương bé cũng như chỉ ra những chỗ chưa đúng cho bé.

Theo aFamily