Nhiều bé tỏ ra lo lắng, sợ hãi khi cha mẹ đưa đi cắt tóc. Bé thường tưởng tượng đến một điều gì đó rất đáng sợ và phản ứng bằng cách khóc lóc. "Khoảng 2 đến 5 tuổi, nhiều bé coi cắt tóc như bị cha mẹ trừng phạt nên tỏ ra hoảng sợ. Có lẽ phải chứng kiến những lưỡi kéo vừa sắc vừa to lướt qua tai mình khiến các bé kinh hãi. Bé sẽ xuất hiện tâm lý sợ bị chảy máu, bị cha mẹ bỏ rơi..." - Penepop Leach (Giáo sư tâm lý học Hoa Kỳ) giải thích. Giáo sư cũng cho biết thêm, phần lớn các bé đều sợ bị kéo cắt phải tai và không yên tâm khi được cha mẹ giao vào tay một người lạ. Trường hợp bạn đưa bé đi cắt tóc ngay sau khi bé mắc lỗi, bé càng dễ tin rằng mình đang bị trừng phạt. Cách ứng xử của cha mẹ Cách hay nhất là bạn nên chọn những dịp thuận tiện để hai bố con cùng đi cắt tóc. Bé ngồi một ghế, bố ngồi một ghế, vừa trò chuyện, vừa sẵn sàng tâm lý để được cắt tóc. Bạn có thể khen và chào đón khi hai bố con trở về. Ca ngợi bé rằng: "Ồ, trông con đẹp trai giống bố đấy" và thưởng cho bé một món ăn yêu thích. Với một vài bé, cảm giác phải ngồi trong một cửa hàng cắt tóc ồn ào, đông đúc cũng khiến bé sợ sệt. Nếu có khả năng, bạn có thể nhờ người thân cắt tóc cho bé tại nhà. Cho bé ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trước gương, nghe bản nhạc vui nhộn, bé sẽ được thư giãn và yêu thích việc cắt tóc hơn. Nếu bé hoảng hốt trước lưỡi kéo, bạn nên chọn loại kéo có lưỡi nhỏ và trấn an bé rằng: "Dụng cụ này rất an toàn và không làm hại bé". Thú vị nhất là bạn cùng mở "ngày hội cắt tóc" cho các bé: Bé cùng thực hiện công việc này với anh (chị) hoặc các bạn hàng xóm. Tâm lý đông vui là động lực tốt nhất cho bé tham gia việc cắt tóc mà không khóc lóc với cha mẹ. Cuối cùng, nếu việc bé mắc lỗi trùng với khoảng thời gian bé cần được cắt tóc, bạn nên khẳng định với bé rằng, cắt tóc và trừng phạt bé là hai việc làm hoàn toàn khác nhau. Kể cả khi bé có vô tình bị đau khi cắt tóc, bạn cũng nên trò chuyện trấn an bé. Dần dần bé sẽ tự tin và không coi việc cắt tóc là một mối đe dọa nữa. (Theo mevabe.net) |