Chăm sóc và theo dõi trẻ sốt xuất huyết tại nhà Trong 10 trẻ bị sốt xuất huyết, chỉ khoảng 1-3 trường hợp có biến chứng phải nhập viện; số còn lại được điều trị tại nhà và tái khám theo dõi mỗi ngày, cho đến hết ngày thứ 7. Khi trẻ hết sốt, thèm ăn, chạy chơi là an toàn. Mục tiêu của chăm sóc và theo dõi sốt xuất huyết tại nhà là phát hiện sớm trẻ bị bệnh, chăm sóc đúng và phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời. Các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết gồm: - Sốt cao: Trẻ đột ngột bị sốt cao 39-41 độ C, sốt cao liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày. - Biểu hiện xuất huyết: Chấm xuất huyết dưới da, mảng xuất huyết, bầm chỗ chích, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, tiêu ra máu. - Gan to, đau bụng, ói mửa. - Sốc (trụy tim mạch): Thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6. Trẻ thường hết sốt nhưng mệt, bứt rứt, quấy khóc, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch cổ tay nhanh, nhẹ và huyết áp kẹp hoặc tụt huyết áp. Xét nghiệm máu sẽ cho thấy có dấu hiệu cô đặc máu (dung tích hồng cầu tăng) và giảm số lượng tiểu cầu. Tất cả trẻ bị sốt cao từ 2 ngày trở lên phải nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và đưa đi khám. Các bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn cha mẹ cách theo dõi, chăm sóc cho trẻ. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ cho các cháu thử máu để theo dõi diễn tiến của bệnh. Những điều cần làm khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà: Hạ sốt: Cho trẻ uống Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, 4- 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, co giật. Cho uống nhiều nước: Nước lọc, nước cam, chanh, nước oresol. Cho ăn thức ăn lỏng, nhẹ, nằm nghỉ ngơi. Tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ. Những điều không nên làm: Cạo gió, cắt lể: Làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng trẻ. Tự ý cho uống thuốc aspirine: Có thể gây chảy máu dạ dày. Truyền dịch tại các phòng khám không đủ điều kiện: Đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh nặng kéo dài, phù nề, suy tim, khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu được. Khi bệnh sốt xuất huyết trở nặng, trẻ cần được truyền dịch đúng và được theo dõi sát sao tại bệnh viện bởi các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ phương tiện để theo dõi. Cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến bệnh vì thời điểm nguy hiểm nhất là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6), bệnh có thể trở nặng và gây sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời. Các dấu hiệu trở nặng gồm: ói mửa nhiều; đau bụng; bứt rứt; quấy khóc; tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi; chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu ra máu. Khi có dấu hiệu này, phải đưa đi cấp cứu. Trẻ hết sốt mà có một trong các dấu hiệu trở nặng trên phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu để được truyền dịch kịp thời. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống) |