Tuổi hài nhi trang bị cho đứa trẻ các kỹ năng: nghe, nhìn và các cử động, vận động giúp đứa trẻ hình thành định hướng vào không gian và bắt đầu những hoạt động đầu tiên của trẻ tác động vào môi trường để khám phá thế giới xung quanh trẻ.
Trong những năm đầu này, ở đứa trẻ đã hình thành những hình thức đầu tiên của những hành động tâm lý của con người. Hai năm tiếp theo, khi trẻ bước vào lứa tuổi vườn trẻ, trẻ sẽ có được những thành tựu mới trong hoạt động hình thành và phát triển tâm lý trẻ.
Những thành tựu quan trọng của lứa tuổi vườn trẻ đạt được:
Bài 1: Tư thế đứng thẳng của trẻ bước vào năm thứ 2:
Đến cuối tuổi hài nhi và đầu tuổi vườn trẻ, đứa trẻ bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên. Sự di chuyển theo tư thế thẳng đứng còn gặp nhiều khó khăn. Sự phát triển khả năng vận động và di chuyển theo tư thế đứng thẳng của trẻ có thể chia theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn một: những bước chập chững đầu tiên.
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bỏ các vật dụng để trẻ vịn đi như ở tuổi hài nhi, mà bắt đầu bước đi những bước chập chững. Những bước đi ban đầu của trẻ còn gặp nhiều khó khăn vì những điều khiển hành động đi vẫn chưa được hình thành, trẻ vẫn luôn bị mất thăng bằng: một cái ghế, hay một vật nhỏ dưới chân cũng dễ dàng làm cho trẻ ngã. Hành động bò vẫn là hình thức di chuyển chủ yếu của trẻ.
Trong giai đoạn này, người lớn cần can thiệp và tập luyện cho bé như thế nào?
Tập luyện đôi bàn tay và đôi chân cho bé mỗi ngày khi bé ngủ dạy và trước khi đi ngủ. Các bài tập đơn giản: tập cho bé co, duỗi chân, giơ chân lên cao, hạ xuống, các bài tập này không chỉ làm dẻo dai hệ cơ, khớp mà còn giúp cho đôi chân của trẻ chắc hơn.
Cầm 2 tay trẻ và tập cho trẻ bước từng bước ngắn, sau đó cầm một tay và dắt trẻ đi. Nhằm tập cho trẻ giữ thăng bằng khi bước đi sau đó từ từ thả tay ra cho trẻ bước từng bước.
Ở giai đoạn này, trẻ có thể bước 1,2,3 bước và ngã. Đó là những hiện tượng tự nhiên và chúng ta không nên can thiệp hay xót khi thấy bé ngã mà không cho bé đi, kìm hãm sự phát triển vận động của trẻ.
Giai đoạn hai: Làm chủ được cơ thể và giữ được thăng bằng
Chúng ta tự hỏi: trong giai đoạn đầu, trẻ luôn bị mất thăng bằng và té ngã. Vậy do đâu trẻ có thể vượt qua sự sợ hãi khi té ngã? Câu trả lời: đó là sự tham gia, khuyến khích và cổ động của người lớn.
Và thời gian sau, nhờ có sự cổ động và hỗ trợ của người lớn, đứa trẻ đã có được những thành công đầu tiên. Lúc này trẻ không còn cố gắng vì sự cổ vũ của người lớn nữa mà cảm thấy hài lòng do làm chủ được cơ thể của mình và khao khát thể hiện mình hơn bằng cách khắc phục các khó khăn qua các bước đi. Trẻ bắt đầu đi nhiều hơn và lấn át hành động bò và trở thành hành động di chuyển chủ yếu của trẻ.
Đứa trẻ có thể đi nhiều bước hơn, đi trong thời gian lâu hơn và ít bị ngã hơn. Trẻ có những di chuyển có mục đích đến đối tượng nhất định.
Tuy nhiên bản thân các cử động của trẻ vẫn chưa phối hợp đủ hài hòa trong một thời gian dài.
Người lớn cần làm gì?
Điều quan trọng trong giai đoạn này là sự cổ động, tham gia của người lớn, giúp trẻ tự tin và có động lực vượt qua sự sợ hãi khi té ngã. Cùng với trẻ tập luyện đi mỗi ngày. Giúp trẻ có những định hướng trong vận động.
Giai đoạn ba: Hoàn thiện và nâng cao kỹ năng vận động
Giai đoạn này trẻ đã đi nhanh hơn và nhiều hơn, trẻ vượt qua được các khó khăn của giai đoạn trước và thích thú khi tự tạo ra những khó khăn mới. Trẻ thích thú khi bước qua các vật cản dưới chân, bước lên các gờ cửa, v.v...
Lúc này hoạt động chạy, với, leo,... cũng bắt đầu phát triển. Trẻ cũng thực hiện việc phức tạp hóa các bước đi: xoay tròn, đi lùi, bước ngang v.v...
Sự tham gia và quan sát của người lớn trong giai đoạn này là đặc biệt quan trọng:
Người lớn cần quan sát nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Các vật dụng nguy hiểm trong gia đình cần để trên cao hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn và can thiệp kịp thời khi trẻ gặp nguy hiểm.
Tập những bài luyện tập về vận động đơn giản.
Hãy để trẻ vận động tự do và tự khắc phục khi gặp khó khăn nhằm tạo cho trẻ tính độc lập.
TrucGiang. Mamnon.com