Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi bé 'kiệm lời'


Nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi thấy bé ít nói, ít cười mà chỉ chú tâm vào những trò chơi bên cạnh. Bạn có cố tình gợi chuyện, bé cũng chỉ phản ứng bằng thái độ thờ ơ, không hứng thú.

Sự phát triển tự nhiên của bé trải qua nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều bé thích các hoạt động thể chất hơn là giao tiếp cùng cha mẹ.

Giai đoạn 18-24 tháng tuổi là khoảng thời gian bé dễ bị rối nhiễu ngôn ngữ, đặc biệt là các bé trai. Bé có xu hướng dành sự quan tâm tới những kỹ năng vận động mới như chạy nhảy, leo trèo, đi xe đạp 3 bánh, chơi ôtô, siêu nhân hơn là trò chuyện cùng mọi người.

Bạn có thể yên tâm vì bé tập trung vào những hoạt động này, không có nghĩa là bé chậm phát triển trí tuệ. Bởi vì, các chuyên gia cho rằng, 3 tuổi mới là cột mốc quan trọng để hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ ở bé.


Ảnh: JupiterImages


Nếu bé thường xuyên im lặng, bạn có thể đưa ra vài lời đề nghị để lôi kéo sự chú ý của bé, chằng hạn: "Con xem này, mẹ đua ôtô cùng con nhé" hoặc "Siêu nhân của con hay siêu nhân của mẹ tài giỏi hơn". Những lúc bận rộn, bạn nên gợi ý để chồng hoặc người thân trong nhà tìm cách tiếp cận, hỏi chuyện và chơi cùng bé. Dù sao, sự giao tiếp với bố mẹ hàng ngày cũng đóng vai trò hiệu quả trong quá trình phát triển của bé ở bất kỳ độ tuổi nào.

Cách kết nối với bé tốt nhất là bạn tìm cơ hội để vui chơi cùng bé, đặt biệt là những hoạt động bé yêu thích. Nếu bé hứng thú với việc nhảy lò cò ngoài công viên hơn là ngồi vẽ hoặc tô màu trong nhà, bạn nên thường xuyên đưa bé ra ngoài chơi. Bạn có thể thi nhảy lò cò hoặc dạo bộ cùng bé, kể chuyện cho bé nghe về sự tích những loài cây, loài hoa, loài chim trong công viên.

Nếu bé quan tâm đến các trò vui một mình tại nhà, bạn nên ngồi bên cạnh, hỏi bé về quy tắc những món đồ chơi đó và khuyến khích bé đưa ra ý kiến. Trường hợp bé có triệu chứng "lạnh nhạt" bất thường kéo dài, bạn nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.

(Theo Mevabe.net)