Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngành mầm non bước qua khó khăn để đi lên!


Nhìn lại 60 năm hình thành và đổi mới ngành mầm non, cho thấy ngành mầm non nước nhà đã có nhiều cố gắng để ngày càng phát triển. Tuy nhiên, khi đời sống xã hội ngày càng cao, đòi hỏi phải nâng cao trình độ giáo viên mầm non phù hợp với chương trình giảng dạy mới. Dù gặp nhiều khó khăn, ngành mầm non đã từng bước vượt qua các khó khăn và xây dựng ngành mầm non ngày càng phát triển xứng tầm với các ngành khác trong xã hội. Không chỉ ở thành phố và các khu vực trung tâm, mà ngay cả ở huyện, xã cũng đã có những nỗ lực nhằm đưa ngành mầm non đi lên. Trong dịp công tác về Tiền Giang, chúng tôi cũng đã được trao đổi với cô: Trần Thị Anh, chuyên viên mầm non phòng giáo dục huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, một huyện còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong những năm qua.

Giờ chơi của các cháu

Mamnon.com: Thưa cô: là giáo viên làm trong ngành lâu năm và hiện đang làm công tác quản lý, cô có chia sẻ những khó khăn gì của ngành mầm non so với các bậc học khác?
Bà Trần Thị Anh: So với các bậc học khác, thì ngành mầm non còn gặp khó khăn về mọi mặt:

* Về cơ sở vật chất: Chưa được đầu tư xây dựng khang trang phù hợp với đặc điểm tâm lý trẻ mầm non. Cơ sở vật chất ở các huyện và một số vùng ven thành phố cũng chưa được trang bị phù hợp với chương trình học hiện tại.
Đa phần phòng nhóm hiện có là được cải tạo từ trường phổ thông xây dựng mới bỏ lại.
Năm học 2007 - 2008 có xây dựng 4 đơn vị nhưng thực tế chưa đáp ứng nhu cầu gởi con của phụ huynh.

* Về đội ngũ:
- Thiếu rất nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Hiện nay, còn có một bộ phận trẻ mầm non không đến lớp vì thiếu giáo viên và trường lớp. Nhu cầu gởi con của phụ huynh nhiều nhưng hiện tại chưa thể đáp ứng vì chưa đủ cơ sở vật chất và con người.
- Giáo viên mầm non ở địa phương đa số là các chị em lớn tuổi chưa nhạy bén với hình thức đổi mới của chương trình đang thực hiện.
- Giáo viên trẻ vào ngành nhưng chưa qua kinh nghiệm sư phạm, có sự nhiệt tình nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả trong chăm sóc, giảng dạy chưa cao.

Mamnon.com: Năm học này là năm học công nghệ thông tin. Để hưởng ứng năm học công nghệ thông tin trong giáo dục, ngành mầm non mình đã có những ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học như thế nào?
Bà Trần Thị Anh: Để hưởng ứng năm học công nghệ thông tin cũng như nâng cao chất lượng dạy học ngày càng phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành giáo dục nước nhà. Huyện cũng đã có những chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp giáo viên nâng cao trình độ và tay nghề.

- Vận động và hỗ trợ giáo viên học vi tính nhằm tiếp cận nhạy bén với các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại.
- Tất cả các trường đều được trang bị máy vi tính (17 trường và 3 tổ mẫu giáo) và 1/3 đơn vị có kết nối internet để trao đổi thông tin.
- Trang bị phần mềm Nutrikid cho 20 đơn vị, đã có 17 đơn vị có bán trú đã vận dụng vào việc tính khẩu phần ăn cho trẻ.
- Vận dụng công nghệ trong việc quản lý hành chính của đơn vị (hồ sơ, kế hoạch).
- 1/3 giáo viên soạn giáo án trên máy vi tính.
- Hiện đã có giáo viên thực hiện giáo án điện tử lên lớp (Trang ảnh phục vụ bài dạy để củng cố kiến thức, mở rộng thêm vốn hiểu biết cho trẻ)

* Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn:
- Giáo viên lớn tuổi, việc tiếp xúc với máy tính và các phương tiện công nghệ thông tin còn hạn chế.
- Chưa có điều kiện trang bị máy vi tính cho các lớp.
- Nhiều trẻ vùng sâu chưa có cơ hội học tập qua máy vi tính.

Mamnon.com: Huyện cũng đã có những hoạt động nhằm nâng cao trình độ cho giáo viên như thế nào nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành mầm non?
Bà Trần Thị Anh: Huyện cũng luôn quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, chủ yếu là kiến tập đối với giáo viên mới vào ngành chưa qua sư phạm.
- Tổ chức hội thao, thao giảng để giáo viên có điều kiện trao đổi, học tập.
- Dự giờ chéo bạn đồng nghiệp để rút kinh nghiệm cho bản thân.
- Chuyên môn thường xuyên dự giờ, đóng góp, xây dựng cho tiết dạy.
- Tổ chức học tập qua các lần bồi dưỡng hè, trong các phiên họp, sinh hoạt chuyên môn của đơn vị.
- Tổ chức cho các đơn vị tham quan và học hỏi lẫn nhau.

Mamnon.com: Với kinh phí cho ngành mầm non còn hạn hẹp, trong khi đó yêu cầu về đầu tư cơ sở vật chất và trang bị phương tiện dạy học hiện đại ngày càng cao. Huyện chúng ta đã phải cố gắng rất nhiều phải không ạ?
Bà Trần Thị Anh: Tuy còn nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng đây là khó khăn chung của toàn ngành và toàn xã hội. Xong huyện cũng đã cố gắng rất nhiều để đảm bảo chế độ cho giáo viên trong biên chế.

Đối với giáo viên hợp đồng nhận lương từ việc thu học phí từ phụ huynh, nay cũng đã được ngân sách trả, nhưng về cụ thể cho việc quy định để cho giáo viên tham gia với bậc mầm non lâu dài chưa có chỉ đạo cụ thể. Đây cũng là điều mà chị em vẫn đang băn khoăn.

- Về kinh phí trang bị cơ sở vật chất cũng còn hạn hẹp nhiều so với hiện tại:
Xây dựng mới ít, hiện tại có nhiều phòng nhóm chật, đang xuống cấp.
Nhiều trường còn chưa được trang bị đồ chơi ngoài trời.
Trang bị bàn ghế cho trẻ chưa đầy đủ theo quy cách (Vẫn còn lớp sử dụng loại bàn ghế nhựa).

Mamnon.com: Tuy ngành đã cố gắng rất nhiều, xong vẫn có giáo viên than rằng lương thấp, đời sống không đảm bảo? Cô có thể cho biết thêm về vấn đề này:
Bà Trần Thị Anh: Đúng là ngành đã cố gắng rất nhiều, tuy nhiên với khó khăn chung của xã hội. Đa số giáo viên cũng hiểu được điều này và cố gắng cải thiện cuộc sống gia đình bằng các hình thức khác: Chăn nuôi, làm ruộng, vườn.v..v...
Bên cạnh đó một số giáo viên mới vào ngành, lương khởi điểm còn thấp hơn so với các chị em có thâm niên trong nghề, tuy có khó khăn xong họ vẫn có những cố gắng để tồn tại với nghề.

Ngoài ra cũng có trường hợp gặp khó khăn về kinh tế khi đồng lương của giáo viên không đủ trang trải cho gia đình. (Đó là những trường hợp đặc biệt: con đông, chồng không nghề nghiệp..v..v...)

Mamnon.com: Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phàn nàn rất nhiều về chế độ chăm sóc, dạy dỗ trẻ ở trường mầm non.
Bà Trần Thị Anh: Trong những năm qua cũng có phụ huynh phàn nàn giáo viên một số vấn đề:
- Chăm sóc: giáo viên chưa nhiệt tình, có đánh mắng trẻ, đi trễ, về sớm, có sự so sánh giữa trẻ này với trẻ khác tạo tâm lý không tốt cho trẻ.

Ngành mầm non tại địa phương cũng đã quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của phụ huynh và có những chỉ đạo phù hợp. Cụ thể trong 2 năm qua, với chủ trương thực hiện "2 không" qua trao đổi nội dung học tập, vấn đề trên đã có củng cố nhiều, hiện tại toàn ngành ở những năm gần đây khá ổn định trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Không có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra.

Mamnon.com: Cô có thể chia sẻ gì với phụ huynh và cả giáo viên về ngành của mình?
Bà Trần Thị Anh: Hiện tại, ngành mầm non của chúng ta còn nhiều khó khăn, xong là khó khăn chung của toàn xã hội, chúng ta cả giáo viên và phụ huynh cần thông cảm và cùng nhau chia sẻ những khó khăn chung ấy. Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, giáo dục mầm non cũng đã có nhiều thay đổi và phát triển hơn đó cũng là động lực để chúng ta phấn đấu.

Đối với phụ huynh: chúng tôi cũng luôn mong muốn được sự thông cảm và chia sẻ của phụ huynh, an tâm khi gửi con đến trường. Hỗ trợ cùng nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục cháu.

Đối với giáo viên: hãy an tâm và gắng sức với ngành. Tuy xã hội còn chưa quan tâm đúng mức và có cái nhìn chưa đúng về ngành, nhưng đó một phần do ngành chúng ta vẫn còn tồn tại một vài "con sâu" làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Vì vậy, giáo viên chúng ta cần tu dưỡng đạo đức, rèn luyện chuyên môn để ngày càng có chỗ đứng trong xã hội và để mọi người nhìn vào hình tượng người giáo viên mầm non một các đúng đắn hơn.

Xin cảm ơn Cô và chúc cho công tác giáo dục mầm non huyện nhà ngày càng phát triển.

Trúc Giang. Mamnon.com