Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi bé chỉ thích một cuốn sách


Nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi thấy bé chỉ yêu cầu cha mẹ đọc đi đọc lại một cuốn sách trước giờ ngủ hàng ngày. Khi bạn muốn đổi sang một cuốn sách khác, bé phản ứng bằng cách khóc lóc, giận dỗi.

Theo Parencenter, sự yêu thích sẽ tăng lên khi bé tìm thấy hình bóng mình trong câu chuyện đó. Chẳng hạn, nếu cuốn sách bạn đọc cho bé viết về một bạn Rùa tuy chậm chạp nhưng giàu lòng thương bố mẹ, có thể bé cũng đang sở hữu tính cách nhút nhát, ít nói và bối rối trong cách thể hiện tình yêu với gia đình.

"Bé đang trong quá trình học hỏi cuộc sống xung quanh, bao gồm cả những câu chuyện, những cuốn sách bé được tiếp xúc hàng ngày. Mọi thông tin bên ngoài đều được kết nối trực tiếp tới não bé. Bé sẽ ghi nhớ và lưu trữ lại những dữ kiện yêu thích hoặc được lặp lại nhiều lần một cách tự nhiên. Nếu bé muốn bạn đọc một cuốn sách mỗi ngày có nghĩa là bé rất quan tâm và hứng thú với những tình tiết trong câu chuyện ấy" - Debbi Wright tiết lộ.

Giáo sư Debbi (Giáo sư tâm lý trường Đại học Missouri, Hoa Kỳ) cũng khẳng định, tuy còn nhỏ nhưng đặc trưng tính cách của bé đã dần hoàn thiện. Vì vậy, cha mẹ cũng không nên ngạc nhiên hoặc lo lắng vì thấy bé hiền lành hơn anh (chị) hoặc các bạn cùng tuổi. Trên thực tế, không ít bậc phụ huynh quan niệm rằng, bé càng hiếu động, lanh lợi càng thông minh, học giỏi về sau mà quên mất trí não và tính cách là hai khái niệm ít liên quan.

Ngoài ra, bé thích nghe đi nghe lại một câu chuyện cũng giống như những thói quen khác của bé hàng ngày: Bé luôn ngồi trên một chiếc ghế riêng trên bàn ăn, ăn nhiều một món bé hợp khẩu vị hoặc bé chỉ thích chơi với chó mà không phải là mèo... Thói quen giúp bé có cảm giác thân mật, an toàn và bé không muốn đổi sang những điều mới mẻ.

Nếu bạn muốn hướng sự chú ý của bé sang một cuốn sách mới, nên tìm gợi ý những đặc điểm chung giữa hai cuốn sách để bé hứng thú. Chẳng hạn, bạn có thể nói với bé "Cuốn sách này cũng viết chuyện về bạn Rùa đấy con ạ nhưng giờ, bạn Rùa đã đến tuổi đi học rồi. Con có muốn nghe không?".

Những lần sau đó, bạn có thể chỉ dẫn bé sang những câu chuyện khác về bạn Sóc, bạn Gấu (là hàng xóm, bạn cùng lớp của bạn Rùa). Bạn nên duy trì thói quen đọc sách hàng ngày cho bé. Điều này không chỉ giúp bé rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, tư duy mà còn giúp bé ngon giấc hơn.

Theo mevabe.com