Chăm sóc trẻ không đúng, kìm hãm quá trình phát triển của trẻ! Trẻ ở giai đoạn hài nhi (0 - 15 tháng) là giai đoạn trẻ có nhu cầu được giao tiếp với người lớn và hoạt động cùng đồ vật. Hai nhu cầu này ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các đặc điểm tâm lý đầu tiên của trẻ. Sự yêu thương, chăm sóc, vỗ về và trò chuyện của người lớn giúp hình thành nên những xúc cảm, tình cảm ban đầu ở trẻ. Khi đời sống vật chất càng phát triển, mỗi gia đình chỉ có một đến hai con, vì vậy cha mẹ dồn hết tình thương yêu cho con trẻ, chăm sóc con thật kỹ lưỡng. Tuy nhiên đôi khi, sự chăm sóc một cách thái quá cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của trẻ. Trong giới hạn bài viết chỉ đề cập đến hai vấn đề: sự phát triển vận động và quá trình phát triển tâm lý trẻ. Sự chăm sóc và nuông chiều quá mức ảnh hưởng đến sự phát triển vận động của trẻ: Ông cha ta thường nói: ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Kinh nghiệm này chỉ đúng khi chúng ta tập luyện cho trẻ thường xuyên và tạo điều kiện để trẻ phát triển hệ cơ vận động hơn là suốt ngày ẵm bồng làm kìm hãm sự phát triển vận động của bé. Sự phát triển vận động ảnh hưởng đến các quá trình phát triển tâm lý trẻ: Tập luyện để phát triển hệ cơ vận động cho trẻ Thường xuyên tập luyện các vận động ngón tay, bàn tay, tập trẻ cầm, nắm. Khuyến khích và cổ động trẻ khi trẻ cố gắng thực hiện các hành động mới: lật, trườn, bò. Không can thiệp vào quá trình vận động của trẻ. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành ở trẻ tính tự lực ngay từ nhỏ, trẻ không ỷ lại vào người lớn. Ví dụ: khi trẻ đang cố gắng lật, thay vì giúp trẻ đẩy người qua để lật, bạn hãy cổ vũ trẻ để trẻ cố gắng tự lật được. Tập luyện các động tác co duỗi chân tay, rèn luyện các vận động ở ngón tay mỗi ngày. Tạo điều kiện cho trẻ vận động bằng cách để trẻ tự do bò, trườn, tập cho trẻ trườn, bò tới lấy các đồ chơi, hướng các vận động của trẻ vào các mục đích: bò tới đồ chơi, với lấy đồ chơi v.v... Tập luyện vừa sức, không nên bắt trẻ vận động quá sức khi trẻ mệt hoặc không muốn vận động. Thời gian vận động và tập luyện cũng không được kéo quá dài sẽ làm trẻ mệt mỏi và ảnh hưởng không tốt đến hệ cơ xương của trẻ, vì lúc này hệ cơ xương còn yếu và đang trong giai đoạn phát triển. Những bài học trẻ có được đều từ quá trình trẻ vận động và hoạt động. Bất cứ bài học nào cũng đều trả giá: khi trẻ ngả người ra đằng sau trên nệm, trẻ không đau. Khi trẻ ngả người trên nền gạch, trẻ u đầu, lần sau trẻ biết nền gạch đau và trẻ sẽ cẩn thận hơn. Khi trẻ ở trên giường, trẻ muốn xuống đất, trẻ đưa hai tay và đầu xuống trước, kết quả là trẻ ngã đau. Lần sau trẻ đưa chân xuống từ từ, và trẻ không bị ngã. Như vậy trẻ sẽ tìm cách xuống đất như thế nào để không bị đau thay vì người lớn bế trẻ xuống. Như vậy, những kinh nghiệm và kỹ năng trẻ có được thông qua chính quá trình trẻ hoạt động. Những kỹ năng, kinh nghiệm còn là phương tiện trẻ khám phá thế giới xung quanh nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, học hỏi và phát triển. Vì vậy để trẻ tự do hoạt động dưới sự giám sát và hỗ trợ của người lớn là cần thiết. Đừng vì quá cẩn thận mà làm kìm hãm đi sự phát triển của trẻ. Theo Trúc Giang mamnon.com |