Cẩn thận với bệnh lao ở trẻ em Bệnh lao ở trẻ em thường khó phát hiện vì không có dấu hiệu cũng như triệu chứng. Cha mẹ phải chú ý đến các dấu hiệu như sụt cân, kém ăn, ra mồ hôi trộm, đặc biệt là ho kéo dài của trẻ nhỏ để phát hiện kịp thời. Dấu hiệu và triệu chứng Ở trẻ em, nhiễm lao thường không có dấu hiệu và triệu chứng. Ngay cả khi tiến hành chụp X-quang phổi cũng không tìm thấy dấu hiệu của bệnh. Rất hiếm khi thấy trẻ nổi hạch nhưng có thể xuất hiện ho khan. Lúc này chỉ có thể dùng phương pháp xét nghiệm tuberculin mới phát hiện được chính xác trẻ có bị mắc lao-hay không. Khi trẻ mới nhiễm lao vi khuẩn ở dạng tiềm năng hoặc "ngủ đông", đợi khi có điều kiện thuận lợi (hệ miễn dịch bị suy giảm lúc trẻ mắc cảm, mọc răng...) sẽ tấn công mạnh. Thời gian từ nhiễm lao chuyển sang bệnh lao rất ngắn, chỉ khoảng trong 7 đến 10 tuần. Một số trường hợp bệnh tiến triển rất nhanh, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ phổi, đôi khi còn phát hiện lao ở các bộ phận khác của cơ thể. Những dấu hiệu chính của thời kỳ này chủ yếu: * Sốt. Ngoại trừ khi bệnh phát cấp sẽ sốt cao, còn thông thường là sốt hâm hấp kéo dài. Thường sốt về chiều. * Sụt cân. * Mệt mỏi. * Kém ăn. * Đổ mồ hôi trộm. Ở trẻ nhỏ sự trao đổi chất mạnh nên thường ra mồ hôi khi ngủ, còn ban ngày tinh thần khỏe khoắn nên không thấy nóng, cần chú ý phân biệt. * Ho. Khi bé ho, nhiều bà mẹ chủ quan cho rằng do viêm phế quản hay bị cảm, thấy không quan trọng. Nhưng sau 2 tuần ho "cảm" mà không khỏi, nên cho bé đến kiểm tra tại bệnh viện. * Chụp X-quang thấy tổn thương ở phổi, đồng thời ho có đờm lẫn những tia máu. Nguyên nhân Mycobacterim tuberculosis là vi khuẩn chủ yếu gây bệnh lao phổi. Nó thường khu trú ở phổi nhưng cũng có thể tấn công các cơ quan khác. Lao là bệnh có cường độ lây nhiễm rất lớn. Hầu hết các bệnh nhân mắc lao là do quá trình tiếp xúc với người bị mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Đối với những người đã mắc lao, hắt hơi, hít thở, ho đều phát tán vi khuẩn lao, gây nguy cơ nhiễm lao rất lớn. Đối với trẻ nhỏ, hầu hết các trường hợp nhiễm là do tiếp xúc với người lớn mắc bệnh. Song đôi khi, các trường hợp nhiễm lao còn do bội nhiễm khi tiêm vaccine chống lao quá liều. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh lao không xác định được chính xác, từ vài tuần đến hàng năm, tùy vào mức độ sơ nhiễm, nhiễm lao hay tái nhiễm... Hậu quả Bệnh lao không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ gây tử vong. Nguy cơ phát tán bệnh ở cộng đồng rất cao. Phòng tránh - Hãy cho bé sử dụng vaccine phòng lao BCG ngay trong vòng 7 ngày đầu sau khi sinh tại các cơ sở y tế phường, xã hoặc các trung tâm y tế dự phòng. (Lưu ý tiêm BCG càng sớm càng tốt). - Khi có nghi ngờ, hãy đưa bé đến chuyên khoa y tế của bệnh viện tại địa phương hoặc trung ương để được làm các xét nghiệm phát hiện bệnh sớm. - Cách ly với người mắc lao trong quá trình điều trị. - Không dùng chung chén uống nước, bát ăn cơm, đũa... với người lạ Chữa trị Trước hết phải khẳng định, bệnh lao là bệnh có thể chữa trị khỏi hoàn toàn... Mọi dược phẩm liên quan đến việc chữa trị lao đều phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nên điều trị và chăm sóc trẻ nhiễm lao tại nhà vì sức đề kháng của trẻ yếu, có thể lây nhiễm các bệnh khác khi điều trị lao tại khoa lây. Phòng ngừa lây nhiễm, bố mẹ và người nhà nên dùng khẩu trang khi tiếp xúc với bé. Một vài trường hợp sẽ được bác sĩ kê dược phẩm đặc trị uống kèm theo. Điều trị bệnh lao là một quá trình kéo dài. Rất cần sự cố gắng và tự giác của người bệnh. Đối với trẻ nhỏ, sự quan tâm của bố mẹ là điều rất cần thiết. Không được quên cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc khi thấy trẻ đỡ. Bởi, nếu không được điều trị triệt để vi khuẩn lao sẽ trở nên kháng thuốc và nguy hiểm hơn cho cơ thể. THẠCH HƯƠNG Theo Tiền phong |