Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiễm giun đường ruột ở trẻ em: Sa sút thể chất lẫn trí tuệ!


Nhiều nghiên cứu lưu ý rằng trẻ em bị nhiễm giun đường ruột có dấu hiệu chậm lên cân, chiều cao không tăng trưởng nhiều và chỉ số thông minh thấp hơn so với những trẻ không nhiễm. Mặc dù giun đường ruột không phải là yếu tố ảnh hưởng chủ yếu và duy nhất đến sự phát triển thể chất và trí tuệ nhưng trong nhiều trường hợp, sau khi tẩy giun, tình trạng thể chất và trí tuệ của trẻ em tiến triển tốt hơn lúc đầu. Giun kim khó chịu nhất Bác sĩ Hoàng Lê Phúc - trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết năm nào BV cũng gặp vài trường hợp trẻ em bị giun chui lên ống mật. Chưa kể có những bé gái bị nhiễm trùng đường tiểu được điều trị hoài bằng kháng sinh nhưng tình trạng không cải thiện. Nghi ngờ bệnh nhi bị giun kim bò qua âm đạo, các bác sĩ cho uống hai liều thuốc xổ giun thì hết bệnh. Có bệnh nhi bị viêm phổi tái đi tái lại nhưng việc điều trị không mang lại hiệu quả, cũng chỉ vì trứng giun đũa… lâu lâu đi qua phổi. Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, đó là một số biến chứng do giun đường ruột thường gặp như giun đũa, giun kim và giun móc gây ra cho trẻ. Trong đó giun kim là loại giun gây khó chịu nhất. Ban đêm, giun kim chui ra rìa hậu môn đẻ trứng khiến trẻ ngủ không được do ngứa hậu môn. Trẻ nhiễm giun kim thường bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện hay đau bụng, biếng ăn, buồn nôn, tiêu chảy; với trẻ nhỏ chưa biết gì thường nghiến răng khi ngủ, đái dầm, nằm hai chân hay khép chặt lại, gồng người... Một số trẻ lại có biểu hiện ngồi không yên, hay kéo cầu thang lết mông xuống. Có khi giun đi lạc chỗ, bò qua âm đạo gây viêm đường tiểu, thậm chí viêm âm đạo, viêm vòi trứng… ở bé gái. Có khi giun chui lên ruột thừa gây viêm ruột thừa (hiếm gặp). Những đường xâm nhập Nếu trẻ ăn thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh dễ nuốt phải trứng giun đũa vào cơ thể. Trước khi xuống ruột giun đi qua phổi và gây viêm phổi, với biểu hiện là trẻ bị ho. Khi giun đũa đi xuống ruột sẽ “tranh giành” thức ăn với trẻ nhỏ khiến trẻ bị đau bụng, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Nếu giun đũa sống nhiều trong ruột có thể gây tắc ruột, thủng ruột, hoặc di chuyển lạc chỗ... vào ống mật gây tắc mật. Lúc đó trẻ sẽ đau bụng dữ dội, phải nội soi hoặc mổ để gắp ra. Có khi giun bò lên ống mật nhưng không chui ra được và chết ở đó, để lâu xác hóa thành sỏi cũng gây tắc mật. Với những trẻ mặc quần thủng đáy, không có đáy hoặc đi chân đất, lê la dưới đất rất dễ nhiễm giun móc. Giun móc có sẵn trong đất, xâm nhập vào người bằng cách chui qua da mỏng, theo máu đến tim, phổi và trở về ruột để trưởng thành, rồi đến tá tràng hút máu (một con giun móc có thể hút mất 0,2ml máu/ngày). Vì vậy, trẻ nhỏ nhiễm giun móc nhiều và kéo dài thường bị thiếu máu, thiếu sắt. Có khi giun móc bám vào mạch máu lớn gây xuất huyết tiêu hóa. Trẻ nhiễm giun móc thường có biểu hiện: đêm hay quấy khóc, da xanh xao, biếng ăn, ăn ít, nhức đầu, có thể đưa đến suy dinh dưỡng… Rửa tay trước khi ăn Theo TS.BS Ngô Hùng Dũng - khoa ký sinh trùng BV Đại học Y dược TP.HCM, do sống trong ruột non nên giun hút máu và tiêu thụ một phần chất bổ dùng để nuôi cơ thể, vì thế dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, làm trẻ gầy yếu, hay quên. Giun còn tiết ra chất độc khiến trẻ biếng ăn, khó ngủ làm trẻ trở nên càu nhàu, bực tức, tính tình thay đổi, ít vận động, kém tập trung hoặc ngủ gật trong lớp. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không đặc trưng và cũng có thể do nguyên nhân khác. Vì vậy, phụ huynh thường không để ý mà cho rằng con em mình mắc bệnh khác hơn là nghĩ đến giun nên trẻ bị nhiễm giun kéo dài. Cũng theo TS Ngô Hùng Dũng, giun đường ruột còn ảnh hưởng đến trí tuệ, nhất là đối với trẻ em. Để phòng nhiễm giun đường ruột cho trẻ, TS Ngô Hùng Dũng khuyên thức ăn cho trẻ phải luôn nấu chín, nước uống phải được đun sôi để nguội, không để trẻ lê la dưới đất, vệ sinh tay chân trẻ luôn sạch, cắt móng tay, không đi chân đất. Tập cho trẻ tự phòng bệnh bằng cách có thói quen rửa tay sạch trước khi ăn. Để đảm bảo cho trẻ phát triển tốt, cần chú ý đến việc tẩy giun cho trẻ. Nhà trường cần chú ý đến việc tẩy giun đồng loạt cho học sinh để tránh tình trạng lây nhiễm giữa các cháu với nhau. ***Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện thế giới có khoảng 1 tỉ người nhiễm giun đũa, 500 triệu người nhiễm giun tóc, 900 triệu người nhiễm giun móc... và khoảng 100.000 người chết hằng năm do các loại giun nói trên gây ra. Ở VN, theo Bộ Y tế có đến 70-90% trẻ em bị nhiễm giun. Tuổi Trẻ