Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi trẻ con học làm “người lớn”


Dạy trẻ từ thuở còn thơ. Ảnh P.H
Nhiều trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, đi học về khoe với bố mẹ: "Con yêu bạn này, bạn kia...". Mặc dù "tình yêu" đó chỉ là sự quý mến của trẻ con, nhưng tuy nhiên, cũng có một số bé có hành vi bắt chước người lớn... những hành vi đó không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Do vậy, người lớn cần phải giúp trẻ điều chỉnh những hành vi đó.

Trẻ bắt chước người lớn
Trong buổi họp phụ huynh lớp mẫu giáo nhỡ tại trường mầm non Tư thục Linh Linh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, một số phụ huynh lo lắng và đưa ra bàn chuyện các con có biểu hiện bắt trước những hành vi của người lớn. Chị Mai Lan cho biết, cháu Gia Linh mới 4 tuổi, đi học về cháu thường kể với mẹ là con đến lớp bạn Đăng Cơ thường thơm con, bạn ấy bảo" bạn yêu con". Chị Hoà kể, ở cháu Đức Anh thường nói với mẹ: "Con yêu bạn Quỳnh Mai, sau này mẹ cưới bạn Quỳnh Mai cho con nhé!.

Chị Hà ở Giáp Bát, Hà Nội tâm sự, một lần đi làm về thấy bé Bống nhà chị 5 tuổi và bé Nam gần nhà (cùng lớp mẫu giáo) đang hôn nhau. Lúc đó, mặt chị nóng ran, chị tức giận quát: "Sao con làm thế", bé Bống sợ khóc rất to. Sau đấy, chị lấy lại bình tĩnh và hỏi con thì bé Bống trả lời: "Con thấy trên tivi yêu nhau các cô các chú cũng hôn nhau mà". Mà bạn Nam bảo "yêu con", và con cũng yêu bạn Nam, nên con và bạn Nam hôn nhau.

Chị Hồng, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, con trai chị 5 tuổi, gần đây, mỗi sáng đi học, con trai chị thường xin mẹ hôm thì hai cái kẹo, hôm thì hai cái bánh, hai cái thạch, nói tóm lại cái gì cũng phải hai cái mà giống nhau để mang đến lớp. Ở nhà ăn cái gì ngon cũng xin mẹ để dành mai mang đi học. Mới đầu chị không để ý, sau đấy chị theo dõi và hỏi dò mới biết, đến lớp con trai của chị và cháu Minh Thư rất hay chơi với nhau, cô giáo bảo: "Hai bạn này thân với nhau lắm và ngủ cũng đòi nằm cạnh nhau". Theo cô giáo, đó là các cháu quý và hay chơi với nhau thế thôi. Có điều là cũng phải chú ý và nhắc nhở cháu nếu có hành vi "không bình thường".

Còn nữa, bà ngoại cháu Hà ở Khương Trung cho biết, cháu gái bà học mẫu giáo 4 tuổi và cháu Hoàng 5 tuổi hàng xóm hay chơi với nhau. Hàng ngày hai cháu đi học, nhưng thứ 7, chủ nhật bà Hoàng hay cho sang nhà Hà chơi, thường thì cứ hai đứa trẻ chơi với nhau, còn hai bà thì ngồi xem tivi và nói chuyện. Một hôm khi mẹ Hà đi chợ về lên tầng 2, chị lặng người khi nhìn thấy hai đứa trẻ đang ôm nhau, nhìn thấy mẹ Hà hai đứa giật mình hoảng sợ. Thấy thế, hai đứa trẻ sợ khóc toáng lên. Sau khi dỗ nín bà Hoàng phải đưa Hoàng về, kể từ đó hai bà cháu Hoàng cũng ít sang chơi hẳn.

Chị Bình làm việc tại Ngân hàng Đầu tư Hải Phòng kể về con gái chị, có lần chị đi làm về thấy một đứa con trai 7 tuổi, cạnh nhà đang nằm đè lên con gái chị mới 5 tuổi. Chị chết lặng người. Sau lần ấy, chị cấm không cho cháu sang hàng xóm chơi một mình, cháu đi đâu, làm gì cũng phải có người lớn đi cùng và cũng từ hôm đó, trong lòng chị lúc nào cũng canh cánh lo lắng, con chị còn quá nhỏ, chưa thể giải thích cho cháu hiểu. Nhiều đêm chị ngủ mơ, giật mình choàng tỉnh vì sợ hãi.

Chị Bình cho biết, chị cũng đã tư vấn tâm lý. Theo cô Trần Thị Tâm Nhàn, chuyên viên tư vấn của trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, trẻ có cách suy nghĩ riêng của trẻ, người lớn đừng vội áp đặt cách suy nghĩ của mình cho trẻ rồi suy đoán, hốt hoảng. Trẻ tuổi mầm non thường hay bắt chước mà không nhận thức đầy đủ về hành động của mình.

Trẻ suy nghĩ trước tuổi
Trẻ con bây giờ có những câu nói mà người lớn không thể tưởng tượng được. Nhưng nhiều gia đình, ông bà cha mẹ tự hào khen cháu mình "Chẳng ai dạy mà sao cháu nó nói khôn thế!". Nhiều khi câu nói chủa trẻ cũng làm người lớn phải sửng sốt.

Con trai anh Bình, Thanh Nhàn 7 tuổi có lần hỏi bố: "Bố ơi cả con và bạn Minh yêu bạn Hà Anh, con phải làm thế nào để bạn ấy chỉ yêu mỗi mình con hả bố?". Câu hỏi của con trai làm hai vợ chồng anh phải suy nghĩ và ngay lập tức phải tìm mua sách tâm lý trẻ, hỏi các chuyên gia tâm lý để giải thích và trò chuyện với con mình.

Chị Mai Hương, Thái Hà, Hà Nội, phát hoảng khi thấy trong vở con gái chị học lớp 6 có một tờ giấy ghi: "Bạn xinh quá, tớ yêu bạn". Bằng mọi cách, thủ thỉ có, nhẹ nhàng có, doạ nạt có, gặng hỏi mãi chị Hương mới biết đó là những dòng chữ của một bạn trai cùng lớp ngồi cạnh con chị, con chị cho biết : "Bạn ấy thích con".

Cháu Quân, lớp 5 trường Tiểu học Yên Hoà tâm sự với mẹ: "Mẹ à, bạn Duy lớp con "yêu" bạn Hải Anh nên bạn Hải Anh sai gì bạn ấy cũng làm". Quân cho biêt, Duy kể như vậy.

Hiện nay, trên đường phố còn có hiện tượng hai đứa trẻ có khi chỉ học cấp 2 hoặc đầu cấp 3 hôn nhau hồn nhiên giữa đường như xung quanh không hề có ai.

Lỗi thuộc về người lớn?
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến những hành vi trên thường do lỗi từ bố mẹ. Ở Việt Nam, không có thói quen cho con ở phòng riêng ngay từ nhỏ như ở các nước phát triển, mà nhiều trẻ thường được ngủ chung giường cùng bố mẹ cho đến tuổi dậy thì. Một số cha mẹ do chủ quan để lộ chuyện vợ chồng cho con trẻ biết, nhất là lứa tuổi mầm non.

Do vậy, chuyện riêng tư của các bậc phụ huynh càng kín đáo càng tốt. Khi trẻ có hành vi "yêu" giống người lớn, bố mẹ cần phải xem lại cách sống và cách sinh hoạt của mình. Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên xem phim tâm lý, phim người lớn cùng con cái.

Cô giáo Ngân, Hiệu trưởng Trường mầm non Linh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội): Khi thấy trẻ hôn môi bạn hay những hành vi lạ khác, cha mẹ hoặc người lớn không nên tỏ thái độ tức giận, mắng mỏ hay đe nạt. Cha mẹ phải bình tính hỏi con: "Sao con lại hôn vào môi bạn?", con sẽ trả lời: "Con yêu bạn". Lúc đó, chúng ta hãy giải thích cho các con: "Nếu con quý bạn thì con cũng chỉ thơm lên má bạn thôi, con thơm lên môi bạn là bạn sẽ không chơi với con nữa. Ngoài ra, thơm môi còn mất vệ sinh nữa". Làm như vậy là các con sẽ bỏ được hành động "không bình thường".

Theo VnMedia