Bí quyết hình thành cho bé thói quen ăn uống tốt Để hình thành cho bé có thói quen ăn uống tốt là vấn đề khá khó khăn đối với nhiều bậc phụ huynh. Để cho bé ăn hết một bữa ăn, các bậc cha mẹ đã phải hao tốn rất nhiều công sức: dỗ ngọt, bế đi chơi vòng vòng, làm trò, quát nạt, ... Đôi khi bé không chịu ăn, mếu máo khóc lóc, nôn ói, gây căng thẳng cho cả mẹ lẫn con và thậm chí còn có cả to tiếng giữa các thành viên trong gia đình. Bé biếng ăn, ngày càng gầy còm, mẹ thì lo lắng đến phờ phạc, ông bà sót cháu... Vậy khắc phục tính biếng ăn của trẻ thật ra có quá khó không và làm thế nào để hình thành cho bé thói quen ăn uống tốt? Chúng tôi xin chia sẻ cùng các bà mẹ những bí quyết đơn giản nhằm hình thành cho bé thói quen ăn uống tốt hơn. 1. Không nên tập cho bé thói quen vừa đưa bé đi chơi vòng vòng, vừa đút ăn. Điều này tưởng chừng như vô hại, tuy nhiên lại có tác động không nhỏ đến bé. Trẻ lứa tuổi 0-5 tuổi luôn thích thú khám phá thế giới xung quanh và những điều lạ lẫm, việc vừa bế trẻ đi chơi vừa cho ăn làm cho trẻ tập trung vào những điều mới lạ hoặc những hoạt động diễn ra xung quanh mà quên mất việc ăn. Hoạt động nhai, nuốt cũng bị giảm sút và lâu dần sẽ hình thành ở trẻ tật lười ăn. 2. Tuy nhiên bạn cũng không nên gò ép trẻ quá bằng cách bắt trẻ phải ngồi vào ghế ăn, khăn ăn và bắt trẻ ngồi im cho mẹ đút. Hãy cho trẻ ngồi thoải mái, đối với trẻ khả năng cầm nắm tương đối tốt có thể cho bé tự xúc cùng mẹ, cầm tay bé tập cho bé xúc. Các hình ảnh ngộ nghĩnh của chén, dĩa, ly, muỗng cũng tác động rất lớn đến sự ham thích ăn uống của trẻ. Bên cạnh đó, việc cho bé ăn cùng bé hàng xóm cũng là một cách để bé thi đua ăn nhanh... 3. Không cho trẻ ăn quà vặt, uống sữa trước bữa ăn chính trong vòng 1 đến 2 giờ vì những thức ăn nhẹ này sẽ làm cho bé ngang bụng và không muốn ăn, không có cảm giác thèm ăn. 4. Tập cho bé ăn nhiều loại thức ăn ngay từ giai đoạn bé ăn dặm. Lúc này vị giác của trẻ chưa phát triển mạnh, vì vậy trẻ dễ dàng tiếp nhận các loại thức ăn và mùi vị khác nhau. Trẻ sẽ có thói quen ăn nhiều loại thức ăn khi trẻ lớn lên. 5. Không cần thiết phải cân đong kỹ từng bữa ăn, từng muỗng bột. Cũng có lúc trẻ ăn ít hơn một chút, sau đó sẽ ăn bù. Nếu cảm thấy lúc đó trẻ không thể ăn hết phần thì có thể bù bằng sữa hoặc bù vào bữa chiều, không nhất thiết phải ép trẻ ăn hết từng đó muỗng bột, từng đó sữa vì vậy sẽ làm cho trẻ có cảm giác sợ. 6. Không bao giờ cho thuốc vào sữa hoặc thức ăn của bé, vì như vậy sẽ làm cho bé cảnh giác với các loại thức ăn. 7. Trò chuyện với bé, kể cho bé nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh về các loại thức ăn, màu sắc của thức ăn cùng với sự thay đổi các loại thức ăn, mùi vị hấp dẫn cũng làm cho bé thích ăn hơn. 8. Không dùng thức ăn vào việc trừng phạt hay khen thưởng, vì nếu thường xuyên trẻ sẽ có khuynh hướng dùng việc ăn uống để ra điều kiện lại với ba mẹ. 9. Khi trẻ lớn lên một chút, biết nêu ý kiến và lựa chọn, bạn hãy nghe ý kiến bé xem bé thích ăn gì? Cùng cho bé đi chợ vào những ngày cuối tuần và cho bé phụ bạn làm bữa cơm sẽ khiến bé thích thú và ăn ngon miệng hơn. 10. Nếu có lúc bé ham thích ăn một loại thực phẩm nào đó và ăn liền trong một thời gian dài, bạn cũng đừng lo lắng. Hãy để cho bé ăn thỏa thích và trong một thời gian ngắn, bé sẽ ăn uống trở lại bình thường. 11. Cuối cùng: Trong quá trình phát triển, trẻ cũng trải qua giai đoạn biếng ăn sinh lý, các giai đoạn này thường diễn ra cùng lúc với những thay đổi về hoạt động tâm sinh lý của trẻ như lúc trẻ lật, bò, ngồi, mọc răng, tập đi, học nói,... Thời gian này bé có ăn ít đi nhưng biểu hiện bé vẫn vui vẻ. Bạn hãy yên tâm và đừng ép bé ăn quá, nếu ép bé quá đáng sẽ làm cho bé trở nên biếng ăn thực sự. Nuôi con là một nghệ thuật mà đòi hỏi bạn phải kiên trì và bình tĩnh, không nên quá lo lắng khi bé ăn ít đi một chút và bạn phải biết phối hợp các loại thực phẩm cũng như thay đổi thực phẩm không chỉ để tạo cho bé sự ngon miệng, thích ăn mà còn tập cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhóm thực phẩm đa dạng, phong phú, giúp bé phát triển tốt và cân đối. Trúc Giang mamnon.com |