Thời nay, nhiều bà mẹ trẻ cứ nhắc đến chuỵện dỗ cho con ăn là thấy "rùng mình". Mỗi người một kiểu, nhưng kiểu nào cũng gian nan và đến khi bé yêu xong bữa thì cả nhà cũng mệt phờ... Trăm phương, ngàn kế Ảnh minh họa
Chị Minh Thu (P.3, Q.Gò Vấp) thì: "Tôi bò quanh nhà cho bé cưỡi để chồng cho con ăn. Bé chỉ thích cưỡi lên lưng mẹ, còn lên lưng bố thì nhất quyết không chịu ăn. Khi bé chán, bố bày trò làm khỉ, đu lên cổng để bé cười há miệng và mẹ đút. Có khi phải lấy xoong nồi ra gõ làm trò vui". Chị Nguyệt Hằng, hàng xóm của chị Minh Thu cũng "bi kịch" không kém. Con chị được hơn tám tháng nhưng đút thìa không ăn, đưa bình cũng không ngậm. Chị lại không còn nhiều sữa để cho con bú. Mới đây, chị Hằng treo lên tường một tờ lịch có hình con vịt. Mỗi lần đút bột, chị lại bảo con: "Không ăn mẹ cho em vịt ăn bây giờ". Vậy là bé há miệng ăn. Phổ biến nhất hiện nay là cha mẹ cho con xem quảng cáo hoặc xem đĩa ca nhạc thiếu nhi để "dụ" con ăn. Thậm chí, có người còn mua hẳn đĩa thâu các đoạn quảng cáo, bật lên cho con... tập trung ăn. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép... ăn! Có thể thấy sự khác biệt lớn trong cách cho con ăn giữa các bà mẹ Việt Nam và các bà mẹ phương Tây. Các bà mẹ Việt luôn cố gắng nhồi nhét thức ăn cho con, trong khi các bà mẹ Tây quan niệm, trẻ không muốn ăn thì thôi, khi chúng đói sẽ tự khắc đòi ăn, nếu trẻ không đồng ý thì không nhất thiết phải ép. Sophie Raworth (chuyên viên của một tổ chức phi chính phủ đang làm việc tại VN) - mẹ bé Boby, ba tuổi, ngụ tại P.Thảo Điền, Q.2 chia sẻ: "Điều tôi đặt lên hàng đầu là luyện cho con tính tự lập từ nhỏ, ngay cả trong chuyện ăn uống. Tôi không ép Boby ăn, nhưng luôn quan sát theo dõi con để biết được những nhu cầu của bé. Bé thèm ăn là được đáp ứng ngay". BS Thái Thanh Thủy (Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2) nhận định: "Trong những năm đầu đời, bé phải làm quen với đủ dạng thức ăn: sữa, bột, cháo, cơm nát và sau đó là thức ăn như người lớn. Trong một thời gian ngắn mà bé phải làm quen với nhiều loại thức ăn mới, chưa quen món này đã phải "bắt tay" với món khác. Vì vậy, bé coi việc ăn uống như một cực hình và bố mẹ cũng phải "chịu trận" theo là điều dễ hiểu. Đơn giản vì bé sẽ gặp rất nhiều món mà bé không thích, hoặc ngán những món mà mình đã từng thích. Cha mẹ cần xác định rằng, mình đang cho con ăn, chứ không phải cho... chính mình ăn. Từ đó, theo dõi để biết bé thích món gì, thích ăn vào giờ nào, có biểu hiện như thế nào là ngừng lại, không ép nữa. Chị Đinh Thị Dung (P.3, Q.Bình Thạnh), một bà mẹ có con gái bốn tuổi "hiến kế": "Khi bé còn ở độ tuổi ăn bột có trộn rau nghiền, hãy thay đổi màu sắc của bát bột bằng các loại rau, củ có màu xanh, tím, đỏ, hồng. Nếu trẻ thấy nhàm với màu sắc, người mẹ có thể thay đổi bát đựng bột để thu hút con. Khi trẻ bắt đầu biết ăn cơm mềm, mẹ vắt cơm thành những viên nhỏ, ở giữa bỏ thức ăn tạo thành những viên bi, hoặc tỉa rau củ thành những "bông hoa"... Ngoài ra, không khí nhẹ nhàng, vui tươi cũng giúp bé thấy thoải mái, từ đó có cảm giác mình được ăn chứ không phải bị ép ăn". Theo Netlife |