Bài 4: Sự phát triển khả năng định hướng trong môi trường xung quanh Các nhà tâm lý học nghiên cứu và đưa ra kết luận: khả năng định hướng trong môi trường xung quanh được hình thành cùng với việc nắm vững các dạng cử động, hành động mới và cùng với việc hoàn thiện hành động và cử động đó.
Khi muốn xúc xắc phát ra tiếng kêu, chúng ta phải lắc nó. Đó là hành động của người lớn, chúng ta tưởng rằng trẻ cũng biết làm như vậy và nghĩ rằng trẻ hiểu được các hành động và kết quả của hành động trước khi hành động xảy ra, nhưng thật ra đứa trẻ dưới một tuổi chưa hiểu được điều đó. Trẻ cầm xúc xắc lên, lắc và thấy nó phát ra tiếng kêu, trẻ tiếp tục lắc mạnh hơn vì thích thú với tiếng kêu phát ra đó. Khi trẻ bước sang tuổi thứ hai, lúc này trẻ mới bắt đầu xuất hiện dần dần những hành động định hướng đặc biệt nhằm quan sát không gian xung quanh và những đối tượng trong nó. Cuối tuổi hài nhi, hoạt động định hướng trong môi trường xung quanh phát triển thêm một bậc, trong đó hoạt động của bộ máy thị giác và thính giác phát triển chính xác hơn, điều này giúp sự phát triển khả năng tập trung thị giác và thính giác. Trong giai đoạn này đứa trẻ có nhiều biểu hiện định hướng như: có thể dọi mắt theo những đối tượng chuyển động với tốc độ khác nhau và khoảng cách khác nhau. Nó có thể tập trung nhìn vào đối tượng, khả năng quan sát đối tượng của trẻ nhỏ không bị phụ thuộc và giới hạn bởi không gian và thời gian. Đứa bé đầu tuổi thứ 2 đã có thể chăm chú theo dõi sự chuyển động của một con kiến trong một thời gian hoặc theo dõi con thằn lằn đang bò trên tường, trẻ lắng nghe và xác định xem âm thanh phát ra từ đâu. Khả năng định hướng trong không gian của trẻ phát triển ở bậc cao hơn, có sự liên kết giữa thị giác, thính giác và hệ vận động: đứa trẻ quay về phía phát ra âm thanh, dõi mắt tìm kiếm và di chuyển đến nơi phát ra âm thanh. Vì sự định hướng trong không gian của trẻ lứa tuổi hài nhi đang dần hình thành và phát triển, nên lúc này, trẻ không chỉ nhìn, nghe mà còn hướng sự chú ý của trẻ đến đối tượng, ở đây bắt đầu có sự định hướng rõ nét. Giữa rất nhiều đối tượng, thì đối tượng to, rõ ràng, màu sắc sặc sỡ, những đối tượng lấp lánh, rực rỡ và di chuyển được sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của trẻ. Sự chú ý của mỗi đứa trẻ đến màu sắc khác nhau cũng khác nhau, tuy ở năm đầu của lứa tuổi hài nhi, đứa trẻ chưa gọi tên được màu sắc, nhưng chúng đã có định hướng về màu sắc và phân biệt được một số màu sắc. Trẻ em lứa tuổi này cũng rất nhạy cảm với cái mới, để rèn luyện khả năng định hướng của trẻ, chúng ta cũng có thể đặt vào những đối tượng xung quanh trẻ một đối tượng mới, lúc này trẻ sẽ chuyển sự chú ý của mình sang đối tượng mới trong thời gian rất dài. Như vậy, đồ chơi cho trẻ trong thời gian này để rèn luyện và phát triển trí não của trẻ không nhất thiết phải nhiều đồ chơi mà quan trọng là đồ chơi phải an toàn, đưa ra từng đối tượng để hướng sự khám phá của trẻ vào cái mới, sau khi trẻ đã hướng sự chú ý vào cái mới chúng ta cất đồ chơi cũ đi và một thời gian sau đó lại đưa ra, lúc này trẻ thích thú và không bị nhàm chán với những đồ chơi trẻ đã hành động với nó một lần. Cái mới trong sự tri giác của đứa trẻ đôi khi chỉ là sự thay đổi về thời gian hoặc cách sắp xếp trong không gian. Vd: Trái bóng đặt trong rổ và nó chỉ lăn trong rổ, sau đó bỏ trái bóng ra sàn nhà, lúc này cũng vẫn là trái bóng nhưng trong mắt trẻ nó lại là một đối tượng mới cần khám phá. Trái bóng trong rổ chỉ chuyển động giới hạn trong rổ, nhưng khi đưa ra ngoài sàn nhà, trái bóng có phạm vi chuyển động rộng hơn, tốc độ chuyển động nhanh hơn, điều này kích thích trẻ chú ý tới nó nhiều hơn và thích thú khi hoạt động cùng trái bóng ở không gian mới này. Sự định hướng của trẻ trong không gian về thị giác và thính giác còn có nhiệm vụ nữa: định hướng giúp điều chỉnh hành vi của hành động trẻ. Khi trẻ nhìn thấy trái bóng lăn nhanh thì trẻ phải bò, chạy nhanh tới trái bóng, hoặc trẻ phải kết hợp giữa khả năng tri giác về khoảng cách giữa trẻ và đối tượng để có hành động phù hợp tác động lên đối tượng đó. Một hoạt động đơn giản nhằm giúp trẻ phát triển khả năng định hướng và rèn luyện kỹ năng vận động, phát triển trí não trẻ, đó là hành động cho trẻ chơi với các đồ vật khác nhau. Ngay từ khoảng giữa năm thứ 2, khi cho trẻ chơi với những cái cốc nhựa nhiều màu sắc, trẻ có thể lăn nó, chồng nó vào với nhau, sau nhiều hoạt động trẻ sẽ liên hệ giữa thị giác và hành động, đặt cái cốc nhỏ hơn vào trong cái cốc lớn hơn, hoặc trẻ dựa trên định hướng của người lớn để xác định các bộ phận trên cơ thể trẻ... Như vậy, trong suốt quá trình phát triển của trẻ, hầu hết những định hướng trong không gian của trẻ có được nhờ quá trình cử động, hành động với đồ vật cùng với sự định hướng thị giác, thính giác và sự hình thành ngôn ngữ giúp trẻ định hướng về thế giới xung quanh mình. Sự định hướng của trẻ nhỏ trong thế giới xung quanh được thực hiện nhờ cử động và hành động bên ngoài, xuất hiện sớm hơn so với sự định hướng thực hiện nhờ quá trình tâm lý bên trong. Chính sự định hướng bên ngoài này là cơ sở cho sự định hướng và phát triển các quá trình tâm lý bên trong. Trúc Giang mamnon.com |