Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hồi âm “Thư gửi các cô giáo mầm non”


Đôi lời trần tình của một cô giáo mầm non, đáp lại thư gửi cô giáo mầm non của vị phụ huynh gửi nhận dịp 20/11.
Chúng tôi - những cô giáo mầm non ở một làng quê nghèo, xin ghi lòng tạc dạ những ý kiến chân thành của các phụ huynh. Nhưng cũng xin có vài lời đáp lại, với cá nhân tôi và rất nhiều đồng nghiệp - những người có tấm lòng với trẻ.

Học văn nghệ, trở thành cô giáo mầm non
Ai cũng biết, chỉ có tấm lòng thôi thì không đủ, còn một điều rất quan trọng khiến khả năng của chúng tôi bị hạn chế - đó là việc đào tạo giáo viên mầm non của nước ta chưa tốt và mức lương chi trả cho chúng tôi còn quá thấp.

Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, giáo viên mầm non hầu hết chẳng được đào tạo gì mà chỉ đi học qua mấy lớp bồi dưỡng về văn nghệ. Ở một số nơi tiến bộ hơn, các địa phương đã tạo điều kiện cho giáo viên mầm non đi học.


Vẫn biết chăm trẻ là phải tận tâm, tận lực, nhưng cái khó cứ bó cái khôn. Ảnh: myuc.mamnon.com


Những người được đi học thường mới chỉ học hết cấp 3, không có nghề nghiệp, công ăn việc làm, biết chút văn nghệ, và quan trọng hơn, thường phải là "con ông cháu cha" trong địa phương mới có cơ hội.

Sau khi đã được tuyển lựa theo tiêu chuẩn như thế thì họ được đi học hệ trung cấp hoặc cao đẳng mở tại các trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh nhà, nhưng chỉ đi học vào ngày thứ 7 và chủ nhật, còn những ngày khác vẫn phải đi dạy.

Trình độ kém, nghiệp vụ ít, tâm lý sư phạm chưa rành, thì làm sao có thể đòi hỏi ở họ những điều như các vị phụ huynh đã nói?

Còn ở thành thị, nhiều giáo viên đã lớn tuổi, trình độ thấp (có khi ngày xưa mới chỉ học hết cấp 3 nhưng nay đi học tại chức), lại thiếu sự nhiệt tâm nhưng giáo viên thiếu nên vẫn phải để cho họ giảng dạy.

Có thể giáo dục mầm non còn ít được xã hội quan tâm, vì cho rằng dạy trẻ con ai chả dạy được, học vài buổi là biết. Thế nhưng, việc nuôi dạy trẻ cần phải tận tâm, tận tụy và có trình độ, có khả năng đặc biệt hơn những ngành dạy học sinh lớn hơn.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội kì họp vừa qua, có vị đại biểu hỏi về vấn đề giáo dục mầm non. Vị chủ soái của ngành giáo dục vẫn chỉ đưa ra những số liệu về sự tăng trưởng, mà không thấy nói gì đến chất lượng việc đạo tạo đội ngũ này như thế nào.

Chính bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận: "Dù muốn chi nhiều hơn cho mầm non, phổ cập mầm non nhưng chưa làm nổi vì đang tập trung phổ cập THCS".

Không thể sống nhờ đồng lương

Nhiều giáo viên mầm non nôn thôn, kì nghỉ hè phải đi buôn đồng nát, cấy thuê, hoặc gánh gạch thuê...Ảnh minh họa: Nhân Dân
Hiện nay nhà nước trả lương cho chúng tôi rất thấp, không thể đảm bảo cuộc sống, trong khi đó chúng tôi phải ở trường cả ngày và làm những công việc như cho trẻ ăn, trẻ chơi... và cả việc cho trẻ đi vệ sinh nữa.

Ở các trường thành thị, điều kiện về cơ sở vật chất được đảm bảo hơn, còn ở nông thôn, chúng tôi và đồng nghiệp rất vất vả mỗi lần cho trẻ đi vệ sinh.

Và do ở trường cả ngày nên hầu hết những công việc đồng áng chúng tôi đều phải thuê mướn.

Hơn nữa, khi dụng cụ dạy học và đồ chơi cho các cháu không đủ, chúng tôi thường phải tự tay làm dụng. Nhiều gia đình đi làm bận nên sau giờ học, chúng tôi còn phải đưa các cháu về tận nhà (do hầu hết là người làng xóm với nhau).

Vậy mà đồng lương chúng tôi được trả trung bình khoảng 500.000 đến 600.000đồng/tháng. Nói thẳng ra là chúng tôi không thể sống nhờ vào đồng lương.

Môt đồng nghiệp của tôi, vào dịp nghỉ hè phải đi buôn đồng nát. Lương của cô chỉ đạt mức lương tối thiểu là 540.000đồng/tháng, ngoài ra không có bất cứ đồng tiền thưởng, "biếu xén" nào khác. Thậm chí, có khi nhà trường còn phải nợ lương của giáo viên hoặc chỉ được lĩnh một phần.

Kì nghỉ hè của các cháu, chúng tôi không được hưởng lương (vì trong trường chỉ có Hiệu trưởng và một số cán bộ chủ chốt là được vào biên chế).

Trong gia đình cô còn bố mẹ chồng, hai đứa con. Chồng cô làm nghề đóng gạch thuê, làm sao có đủ tiền chi trả hàng tháng.

Đấy là còn chưa nói đến những lúc có ai trong gia đình ốm đau hay lúc nghỉ sinh đẻ không hề có chế độ gì.

Nhiều giáo viên trong trường của cô những lúc rảnh rỗi và nghỉ hè vẫn còn đi cấy, đi cắt lúa thuê, thậm chí làm cả nghề gánh gạch thuê.

Tôi không biết nhà nước mỗi năm chi bao nhiêu cho giáo dục mầm non, nhưng tôi nghĩ đó cũng chỉ là số ít so với những con số dành cho giáo dục phổ thông cũng như đại học. Và hơn nữa, con số ấy càng không đáng gì so với các vụ việc tham ô, tham nhũng trong ngành giáo dục nói riêng và các ngành khác nói chung.

Chúng tôi cũng biết là phải tận tâm với nghề lắm, yêu trẻ lắm, nhưng cái khó cứ bó cái khôn, đến con cái mình cũng không có điều kiện để chăm sóc cho chúng đến nơi đến chốn được, nói chi mấy chục cháu nhỏ trong trường.

Hà Nguyễn - Theo TuanVietNam