Trẻ "nhịn ăn" vì không muốn đi học Phải làm sao khi bé luôn gào thét, khóc lóc, thậm chí là "nhịn ăn" mỗi khi phải đến lớp đi học? Khó khăn về độ tuổi Bé Na nhà chị Hiền ở Hà Nội mới hơn 2 tuổi nhưng do bố mẹ phải đi làm tới muộn mới về, ông bà nội thì ở xa nhà, ông bà ngoại thì yếu nên buộc phải cho bé đi học ở trường mầm non. Hôm đầu tiên bé đi học cũng háo hức lắm, nhưng khi mẹ đến đón về thì bé tủi thân mấy hôm sau bé "tuyệt thực" không chịu ăn ở lớp, cuối cùng bố mẹ đành phải cho bé ở nhà. Với các bé dưới 3 tuổi việc ăn uống ở lớp quả là khó khăn. Khi còn ở nhà một mình bé được ông bà, bố mẹ cho ăn từng thìa, thậm chí phải bế đi chơi để ăn. Nếu như các bé chưa được bố mẹ cho làm quen được tự ăn, khi đến lớp có nhiều cháu cô sẽ không cho từng cháu ăn được dẫn đến bé bị thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn đến sức đề kháng của trẻ giảm rất dễ nhiễm bệnh khi trên lớp có bạn bị ốm. Khó khăn về tâm lý Ở nhà bé luôn là tiêu điểm để mọi người chăm sóc, chiều chuộng và bé luôn được đáp ứng mọi yêu cầu. Ở lớp thường vì có nhiều trẻ nên cô không có điều kiện để chăm sóc riêng từng bé được, vì vậy trên lớp bé cảm thấy thiếu hụt sự chăm sóc, vì vậy bé không muốn đi học ở lớp nữa. Hơn nữa ở lớp bé không có được những yêu thương từ bố mẹ và người thân và bé rất nhớ bố mẹ, đây là điều ảnh hưởng nhiều nhất tới tâm lý của bé khi đi học.
BS. Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý Bệnh viện nhi đồng 1, cho biết : "Tuổi cho trẻ đi mẫu giáo tùy thuộc vào sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Cho dù đi đến trường mẫu giáo hay ở nhà, điều quan trọng nhất là gia đình cần quan tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ, về thể chất, nhận thức cũng như cảm xúc và ngôn ngữ. Muốn trẻ phát triển về kỹ năng xã hội, cần cho trẻ tiếp xúc với trẻ cùng trang lứa thay vì để ở nhà một mình ngồi suốt ngày trước màn hình. Để chuẩn bị cho trẻ đi mẫu giáo lúc 3 tuổi, cần tập cho trẻ những kỹ năng tự lập như cầm muỗng ăn lúc 15 tháng, biết dùng mọi thức ăn của người lớn, nhai thức ăn đặc và cứng, tập đi vệ sinh, biết gọi hoặc làm dấu hiệu, biết nói một câu có 3 từ trở lên". Khi bé mới đi học, do thay đổi môi trường mới nên trong thời gian đầu do chưa quen với môi trường mới, ăn uống chưa được đầy đủ nên sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian đầu. Vì vậy, bố mẹ cần có những trao đổi với cô giáo để có những bổ sung cần thiết về dinh dưỡng cho bé ở nhà. Về vấn đề tâm lý sợ bị cô mắng, phạt...bố mẹ nên trao đổi thêm với cô giáo về vấn đề này, tránh việc khi bé chưa quen với sinh hoạt ở lớp, để cô giáo hạn chế việc mắng, phạt...bé khi bé khóc, không ăn...như vậy, sẽ tránh được việc bé sợ nhắc tới từ đi học. Trong thời gian đầu bé đi học do bị hẫng hụt, thiếu thốn tình cảm so với khi còn ở nhà, bố mẹ cần quan tâm và nói chuyện với bé nhiều hơn. Trong sinh hoạt hàng ngày không lấy việc đi học của bé hoặc lấy cô giáo để hù doạ bé. Bố mẹ cần kiên nhẫn, đối với các bé nhát cần an ủi, động viên bé bằng những trò chơi về chủ đề có các nhân vật như cô giáo, bạn bè trong lớp thể hiện với các nội dung vui vẻ, thân thiện để cho bé đỡ mặc cảm với việc đến lớp, cải thiện mối quan hệ với cô giáo và bạn bè. Đối với các bé quá khó khăn trong việc đến lớp, có thể đề nghị với cô giáo cho phép bé học nửa ngày ở lớp và nửa ngày ở nhà, cho bé làm quen dần với môi trường mới. Trước khi cho bé đến trường cần có thời gian bố mẹ chuẩn bị trước cho con về tâm lý, sức khoẻ ổn định. Tạo không khí vui tươi, giải thích cho bé việc đến trường, đừng để cho bé nghĩ mình bị bố mẹ bỏ rơi, chuẩn bị được tốt như vậy cũng góp phần giúp bé mạnh dạn hơn trong việc sẵn sàng đến trường. Theo AFamily |