Nghe lời bố mẹ ngay từ khi còn nhỏ, sau này, bé sẽ trở nên ngoan và lịch sự hơn khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
Xây dựng hành vi khuôn mẫu
Bé sẽ không tự nguyện tuân theo những quy tắc về sự tôn trọng nếu bạn không đề nghị bé phải thực hiện. Các nhà tâm lý cho rằng, sự tôn trọng ở bé luôn song hành cũng nỗi sợ hãi. Chẳng hạn, bé sẽ biết nghe lời bố hơn bởi vì nếu không, bé sẽ bị bố đánh đòn. Tuy nhiên, bạn không nên áp dụng đòn roi với bé. Hãy từ từ hướng dẫn bé về các quy tắc.
Dạy bé trả lời lịch thiệp
Bé sẽ biết cách bày tỏ sự tôn trọng người lớn thông qua ngôn ngữ. Bước vào độ tuổi tập nói, bạn có thể luyện cho bé sử dụng những cụm từ văn minh hàng ngày như "Con xin" hoặc "Con cảm ơn".... Đồng thời, cha mẹ hoặc người thân của bé trong gia đình cũng nên dùng ngôn từ phù hợp với bé khi giao tiếp. Bé sẽ bắt chước và tự làm theo rất nhanh sau đó.
Bạn cũng có thể dạy bé cách biết lắng nghe. Những lần trò chuyện cùng bé hàng ngày, bạn nên nhìn thẳng vào mắt bé, tỏ vẻ quan tâm tới những gì bé nói. Tiếp đến, bạn cũng có thể yêu cầu bé nghe bạn nói một cách lịch sự và chăm chú.
Ảnh: GettyImages
Tránh những câu từ trống không
Bé lớn hơn (5, 6 tuổi) thường có xu hướng bắt chước ngôn ngữ hoặc hành vi xấu từ môi trường xung quanh. Giai đoạn này, bé chưa có nhận thức đủ để kiểm soát được hành vi của mình, cho nên, bé hay nói trống không với ông bà hoặc bố mẹ.
Sai lầm trong cách giáo dục của nhiều bậc phụ huynh là bỏ qua khi bé có những câu nói thiếu lễ phép. Chính điều này là nguyên nhân khiến bé khó nghe lời cha mẹ về sau. Vì vậy, bạn nên hướng dẫn để bé có thói quen lịch sự khi giao tiếp, ví dụ, bạn nên nhắc bé "Con phải nói: mẹ ơi, con khát nước chứ không phải là ‘Khát nước quá'". Và yêu cầu bé lặp lại câu có đủ chủ ngữ, vị ngữ trước khi bạn cho bé uống nước.
Tôn trọng ý kiến của bé
Hầu hết các bé đều có tâm lý tò mò muốn tìm hiểu thế giới bằng cách đặt cho bố mẹ rất nhiều câu hỏi khó mỗi ngày. Thậm chí, nếu bạn hỏi ý kiến bé, bé cũng có thể đưa ra nhiều cách giải đáp khác nhau cho một tình huống. Kể cả khi sự lý giải ở bé có phần "ngớ ngẩn" hoặc "bậy bạ" bạn cũng chớ vội vàng trách mắng bé. Lúc này, bạn nên hướng dẫn bé cách sử dụng câu từ mang ý nghĩa tích cực và đủ nghĩa. Bé sẽ tự nhận biết được vấn đề, tôn trọng và dễ dàng tiếp thu ý kiến của bạn hơn.
Kiểm soát mệnh lệnh
Một trong những lỗi cha mẹ hay mắc phải là áp dụng quy định với bé một cách thô cứng mà không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Chẳng hạn, khi bé ở lớp mẫu giáo trở về, bạn thấy mặt bé phụng phịu, bực bội quên cả chào bố mẹ. Lúc này, bạn nên ở bên cạnh hỏi han bé "Mẹ biết là con có chuyện buồn ở lớp. Có chuyện gì vậy con? Con nói cho mẹ nghe xem nào?". Đợi bé bình tĩnh hơn, bạn có thể nhắc nhở bé về lỗi quên chào hỏi bố mẹ khi về tới nhà.
Khen ngợi hành vi tốt
Bạn nên khen ngợi và khuyến khích thái độ lễ phép của bé bất kỳ khi nào có thể. Sự động viên kịp thời từ phía cha mẹ giúp ích cho bé phát triển được nhiều hành vi tốt hơn. Nên sử dụng các cụm từ như "Mẹ rất tự hào về con", "Con ngoan lắm"... hoặc "Cảm ơn con đã hỏi ý kiến mẹ khi con muốn ăn bánh trong tủ lạnh", "Con ngoan lắm vì biết xin phép bố khi muốn lấy chiếc kéo trên bàn để cắt giấy"...
Tôn trọng những người khác
Khi bé học được cách thức tôn trọng cha mẹ, tự nhiên, bé cũng sẽ biết cách cư xử lịch thiệp với những người xung quanh. Bạn cũng nên dạy bé cách thức chào hỏi; không quậy phá, gây ồn ào khi đi siêu thị (hoặc lúc vui chơi bên nhà họ hàng). Thường xuyên ở bên cạnh uốn nắn, bé sẽ học hỏi nhanh và mau tiến bộ hơn.
(Theo Mevabe.net)