Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có cần học viết chữ?


Tôi thấy bây giờ các cháu đi học mẫu giáo đã phải học viết chữ, viết số. Con tôi đi học mẫu giáo cũng thế, nó có 4 tuổi mà không biết bằng các bạn còn bị cô giáo vụt vào tay nữa. Ngày xưa chỉ đến lớp 1 chúng tôi mới phải học chữ mà chúng tôi vẫn lên đại học bình thường. Xin hỏi các chuyên gia, học chữ sớm như thế có tốt hơn không ? ( Quang, 34 tuổi, HCM)

Anh Quang thân mến,
Đọc thư anh, tôi hiểu anh đang rất băn khoăn và lo lắng về nội dung và phương pháp giảng dạy trong trường mẫu giáo của bé nhà mình. Cụ thể là việc cháu phải học viết chữ, viết số từ 4 tuổi và việc cháu bị cô giáo vụt vào tay khi không viết bằng các bạn khác.

Nhu cầu của học Chữ và Số từ sớm thường nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cháu thích ứng tốt hơn với nội dung giảng dạy ở Lớp Một. Nhu cầu này bắt nguồn không chỉ từ phía một bộ phận các trường Mẫu giáo, mà cả các trường Tiểu Học và một số phụ huynh nữa. Tuy nhiên, vì việc học này đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau như hứng thú, khả năng quan sát, ghi nhớ, suy luận,... nên có thể dẫn đến khó khăn trong học tập cũng như phát triển tâm lý của trẻ. Chính vì vậy việc nên hay không nên đưa vào chương trình những môn học này đang là nội dung tranh cãi của rất nhiều nhà sư phạm.

Theo các nghiên cứu thì trong bốn hoạt động nghe - nói - đọc - viết thì hoạt động viết là một hoạt động phức tạp và đòi hỏi sự chín muồi của nhiều kỹ năng.
- Hoạt động nghe được phát triển sớm nhất qua việc trẻ tiếp nhận những kích thích thính giác từ môi trường bên ngoài ngay từ những tháng thứ 4 trong bụng mẹ.
- Để nói được, trẻ phải được "nghe" người khác nói và biết cách phát âm cũng như có một vốn từ nhất định.
- Để đọc thì trẻ phải nhận dạng và liên hệ được các chữ cái với ý nghĩa của chúng.

Riêng với hoạt động viết thì trẻ cần phải phối hợp nhiều kỹ năng với nhau như: khả năng chú ý, phối hợp tay - mắt, nhớ mặt chữ mặt số, biết các đường nét cấu tạo chữ số và trật tự chữ số (viết bắt dầu từ nét nào và kết thúc ở nét nào). Bên cạnh đó, trẻ phải biết cầm bút đúng cách và di chuyển cây bút trên giấy để viết nên các chữ.

Chính vì hoạt động này không chỉ đòi hỏi trẻ phải ở một mức độ phát triển về thể chất cũng như nhận thức phù hợp, mà còn đòi hỏi trẻ phải hứng thú và say mê, nếu không trẻ sẽ cảm thấy như một "cực hình". Vào khoảng 4 tuổi, đa số trẻ đã có thể cầm bút để vẽ và tư duy dựa vào hình ảnh có sẵn trong đầu nên nhiều em đã có thể học viết chữ và số.
Tuy nhiên, một số em sẽ gặp những khó khăn nhất định và điều này sẽ làm nảy sinh những khó khăn cho trẻ trong hoạt động học tập ở những giai đoạn về sau, bởi vì nếu không được giúp đỡ thích hợp những trẻ này có thể có những cảm xúc tiêu cực với việc học nói riêng (chán học, sợ học, giảm tự tin,...) và với môi trường học tập ở nhà trường nói riêng (ghét đi học, sợ đi học,...). Quan trọng hơn là những cảm xúc tiêu cực sẽ làm giảm hứng thú học tập của trẻ không chỉ hiện tại mà cả về sau. Do đó, thông thường trẻ sẽ được làm quen với hoạt động này vào khoảng 5 đến 6 tuổi - lứa tuổi đủ chín muồi về tâm sinh lý cần thiết.
Chính vì lẽ đó, ở độ tuổi này, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta giúp trẻ làm quen dần với các mặt chữ và số, từ đó xây dựng những hoạt động phù hợp để tạo hứng thú học chữ và số ở trẻ nhằm phục vụ cho việc học sau này. Bởi vì một khi trẻ thích thú với một hoạt động nào đó, trẻ sẽ tập trung và "đầu tư" cho hoạt động đó mà cách tích cực nhất và ngược lại.

Hiện nay chương trình học ở các cấp nói chung và Mẫu Giáo nói riêng đã có rất nhiều thay đổi so với những thời kỳ trước, ví dụ như việc đưa thêm nhiều môn mới vào chương trình học của các cháu như Học đọc, Học Viết, Học Ngoại Ngữ,... Do đó, việc anh học trước đây có thể không giống như bây giờ. Song anh hoàn toàn có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên của cháu cũng như Ban Giám Hiệu nhà trường hiểu thêm vấn đề. Nếu cháu nhà anh 4 tuổi mà xếp vào lớp 5, 6 tuổi của các cháu khác thì anh có thể đề nghị nhà trường xếp lớp lại hoặc có mục tiêu khác nhau với từng cháu. Bên cạnh đó, anh cũng có thể cùng họ nói về cách dạy các cháu trong trường. Việc trừng phạt học sinh bằng cách vụt vào tay hay những cách trừng phạt thân thể khác không khuyến khích các cháu học tốt hơn mà có thể tạo tâm lý sợ hãi, mất tự tin nhiều hơn. Anh hãy khuyến nghị với nhà trường hay giáo viên về việc thay đổi biện pháp dạy tích cực hơn.

Chúc ông bố tốt như anh sớm giải quyết được vấn đề này!

Ngọc Linh (Chuyên gia của SHARE)