Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng để trẻ con béo phì


Béo phì hay mập phì ở trẻ con là tình trạng tăng cân quá mức (xem trang cuối Thuốc và Sức khoẻ số 122; 15-8-1998). Béo phì ở trẻ con thường là do gia tăng quá mức khối mỡ. Mỗi tế bào mỡ tuy rất nhỏ nhưng có thể ví như quả banh. Mập là do chất béo tích luỹ vào bên trong tế bào mỡ làm cho “quả banh” phình to ra. Khi vận động nhiều và ăn ít thì tích chất trong tế bào mỡ được giải phóng để cho năng lượng. Thế nhưng đồng thời cũng giải phóng một enzym làm cho em bé có cảm giác đói nhiều và sẽ ăn nhiều lên để bù lại năng lượng đã mất. Do đó, càng mập càng có cảm giác đói nhiều hơn và khó nhịn ăn hơn người gầy. Trẻ con mập phì sớm càng có cảm giác đói mãnh liệt hơn nữa vì số tế bào mỡ vừa gia tăng kích thước vừa gia tăng số lượng. Vì thế nhiều đứa bé mập phì ăn rất nhiều, một đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau có bé đòi bú đến 4 - 5 bình sữa mà cha mẹ vẫn chiều, trong khi đây là số lượng cả ngày 24 giờ của em! Số lượng tế bào mỡ ở mỗi người thường không thay đổi. Mập là do những tế bào mỡ phình ra chứ không phải do tăng số lượng tế bào mỡ. Thế nhưng ở trẻ con dưới 3 tuổi thì số lượng tế bào mỡ đang sinh sôi nẩy nở, nên nếu cho bé ăn nhiều quá mức thì số lượng tế bào mỡ tăng bội. Mười bé dưới 3 tuổi béo phì thì lớn lên sẽ có tới 5 người lớn béo phì, trong số 10 bé không béo phì thì lớn lên chỉ có 1 - 2 người lớn béo phì. Muốn tránh béo phì trẻ con, ta cho bé ăn uống cân bằng dưỡng chất và canh sao cho sự phát triển cân nặng của bé hàng tháng nằm trong khoảng giữa đường đỏ và đường xanh (của biểu đồ ở trang cuối TSK số 122). Nếu bé tăng cân quá mức thì giảm lượng và số lần ăn của bé xuống. Nếu bé đòi ăn quá thì pha loãng thức ăn ra. Thường nếu ít cho bé ăn rau quả tươi thì bé sẽ bị thiếu sinh tố khoáng chất và bé sẽ thèm ăn chứ không phải bé đói. Chỉ cần xay, giã rau quả tươi nấu lấy nước pha sữa cho bé ăn hàng ngày thì bé sẽ bớt thèm ăn và không lên cân quá mức. Theo Thuốc & Sức Khoẻ