Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy bé sự tập trung (5-6 tuổi)


Tập trung là đức tính cần thiết khi bé chuẩn bị bước vào độ tuổi đi học, giúp bé chú tâm hơn với bài giảng của thầy cô, nhờ vậy, kết quả học tập của bé sẽ tiến bộ.

Vui chơi cùng bé
Nếu bạn muốn bé hứng thú với trò chơi xếp hình hoặc hoàn thành xong một bức tranh, bạn nên ở bên cạnh động viên bé. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, các bé sẽ ít có cơ hội bỏ dở một trof chơi nếu có cha mẹ hỗ trợ bên cạnh.

Kể cả khi bạn muốn hướng dẫn bé các quy tắc cho một đồ chơi mới, nên chỉ bảo bé đến nơi đến chốn và đảm bảo liền mạch, để bé có sự tập trung cao độ với điều này.

Chọn lựa trò chơi
Bạn có thể mua và hướng dẫn bé những hoạt động vui chơi yêu cầu kỹ năng ghi nhớ và tinh thần tập trung. Chẳng hạn, bạn cùng bé chơi đồ hàng, gợi ý để bé nhắc lại danh sách thực phẩm bạn muốn mua (1 quả táo, 5 quả chuối, 3 củ carrot...).


Ảnh: GettyImages


Quan sát
Đôi khi, bé có thể tập trung với một hoạt động lâu hơn thời gian thường ngày. Bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân phía sau đó: Bé yêu thích hoạt động này; Bé thích chơi cùng bạn hay còn lý do nào khác nữa.

Giảm thiểu sự chen ngang
Khi bé đang say mê với những phím đàn, bạn không nên hỏi chuyện hoặc nhờ bé việc này việc khác (trừ khi những việc đó là cấp thiết). Nếu bị bạn làm phiền, chắc chắn, sự tập trung của bé sẽ yếu đi. Bé cũng dễ có thói quen quay ngang quay dọc sau đó và khó chuyên tâm vào hoạt động đang cần hoàn tất.

Hướng dẫn bé làm chậm
Bé sẽ dễ tập trung cho một hoạt động nào đó hơn nếu bạn không luôn miệng hối thúc, giục giã bé. Cho bé thêm chút thời gian để bé hoàn thành công việc còn dang dở là cách tích cực khi bạn muốn xây dựng tinh thần tập trung ở bé.

Tạo cho bé môi trường tốt
Không gian phòng bé nên đảm bảo tính yên tĩnh, thông thoáng và tiện dụng để bé có thể nghe bạn đọc sách, xem phim hoạt hình hoặc hoàn thành những phần việc bạn giao cho một cách hiệu quả.

Mối liên quan giữa yên tĩnh với sự tập trung phụ thuộc vào từng cá nhân bé. Một số bé thích chơi trong phòng hoàn toàn yên ắng trong khi một số bé khác vẫn có thể tập trung tốt dù bạn mở nhạc. Bạn có thể nhận biết đặc điểm tập trung riêng của bé để điều chỉnh môi trường phù hợp sao cho bé thấy vui vẻ nhất.

Để bé tự quyết định
Khuyến khích bé tự lập trong mọi hoạt động sẽ xây dựng cho bé tinh thần tập trung một cách tự nhiên nhất. Bạn nên để cho bé làm mọi việc theo suy nghĩ và sự sáng tạo riêng của bé, chỉ nên nhắc nhở nhẹ nhàng nếu bé làm sai.

Sự nghỉ ngơi
Nếu bé không tập trung với một số công việc bạn giao cho bé theo quy định, có thể bé đang bị mệt hoặc những phần việc này đã quá nhàm chán. Khi thấy bé uể oải, bạn nên gợi ý để bé được nghỉ ngơi, mang cho bé một cốc nước hoa quả hoặc chút đồ ăn nhẹ, sau đó, tiếp tục động viên bé hoàn thành phần việc còn dang dở.

Không nên kỳ vọng quá nhiều ở bé
Chấp nhận một thực tể rằng, bé (5-6 tuổi), thậm chí, cả những bé lớn hơn cũng khó có thể tập trung trong một khoảng thời gian dài, nhất là những hoạt động bé không mấy hứng thú. Bạn nên cảm thông khi bé bực bội vì bị bạn ép phải sắp xếp đồ chơi theo đúng khu vực quy định. Nên động viên thay vì lớn tiếng trách mắng bé.

Tăng cường dinh dưỡng
Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, một chế độ ăn với cá sẽ bổ sung dưỡng chất nuôi não bé (cần thiết cho sự tập trung). Bên cạnh đó, bạn cũng nên cố gắng duy trì một thực đơn dinh dưỡng cân bằng cho bé. Thiếu năng lượng (đặc biệt khi thiếu đường) là nguyên nhân khiến bé suy giảm sự hoạt bát và tập trung.

Cho bé ngủ đủ
Nếu bị rối loạn giấc ngủ, bé cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tập trung trong khoảng thời gian dài. Giấc ngủ còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất của bé.

(Theo Mevabe.net)