Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài 3: Sự phát triển của các cử động và cách hành động.


Trong năm đầu tiên của cuộc đời, đứa trẻ đã có những thành tựu nhất định. Đứa trẻ phải nỗ lực để làm chủ được sự di chuyển, mở rộng tầm nhìn ra thế giới xung quanh trẻ và có được những cử động cũng như hành động nhất định.

Cuối tháng thứ hai, bước qua đầu tháng thứ 3, trẻ bắt đầu có những vận động chân tay, lật, biết giữ đầu, rồi dần dần trẻ biết trườn, biết bò, biết ngồi và những tháng cuối của tuổi đầu tiên trẻ biết chững và đi được vài bước. Trong giai đoạn này, hành động của trẻ bắt đầu có chủ định: trẻ với tới các đối tượng, nắm và cầm các đối tượng, bò tới, với tay, kéo, ném, đập... đó là những hành động có tính chất tiến bộ trẻ có được trong thời gian này.

Tuy nhiên, những hành động và cử động có tính chất tiến bộ của trẻ chỉ được hình thành có kết quả khi có sự tác động của người lớn. Sự tác động của người lớn ở đây không phải là sự can thiệp trực tiếp vào quá trình vận động của trẻ mà chính là thường xuyên chú ý tới trẻ, động viên, cổ vũ trẻ và chỉ giúp đỡ trẻ khi thật sự cần thiết. Sự can thiệp quá nhiều đến quá trình vận động của trẻ sẽ làm chậm quá trình phát triển vận động và hạn chế quá trình cố gắng, nỗ lực nơi trẻ.

Những cử động và cách hành động mà trẻ có được trong thời gian này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tâm lý mà chúng còn là những chỉ số nói lên sự phát triển mà trẻ đạt được.

Những thành tựu về cử động, vận động và cách hành động của trẻ (trườn, bò, đi, cầm, nắm...) hành động với đồ vật ( đập, ném, nhặt, kéo...) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Nhu cầu hoạt động với đồ vật của trẻ sẽ ngày càng tăng lên. Sự độc lập trong quá trình di chuyển giúp trẻ mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng tầm nhìn của trẻ về thế giới xung quanh trẻ. Trẻ bắt đầu quá trình tìm hiểu và khám phá.

Trong những tháng sau của nửa năm đầu tiên, chỉ không chỉ hướng tới một đối tượng mà là hai đến 3 đối tượng. Đến cuối năm thứ nhất, trong những hành động của trẻ với những đối tượng đã xuất hiện một đặc điểm quan trọng mới. Nếu trước đây đứa trẻ hành động hoàn toàn theo sự chỉ dẫn của người lớn và trên những đối tượng mà người lớn chỉ ra thì bây giờ trẻ có thể chú tâm lặp lại hành động quên thuộc trên tất cả các đối tượng mà trẻ có hoặc tìm thấy được.
Cũng trong thời kỳ này, trẻ em bắt đầu nhận thấy không những các kết quả trực tiếp mà cả những kết quả gián tiếp của những hành động của mình và cố gắng tạo ra những kết quả đó bằng cách lặp lại hành động.

Để phát triển cử động, vận động và hình thành cách vận động cho trẻ trong thời điểm này nhằm giúp trẻ phát triển hệ cơ vận động cũng như kích thích trẻ khám phá về thế giới xung quanh trẻ cần có sự can thiệp tích cực của người lớn đối với những hoạt động của trẻ.

Một số hoạt động của người lớn tác động đến sự phát triển tích cực của trẻ:
- Cổ vũ, khuyến khích trẻ khi trẻ thực hiện được các cử động mới: lật, trườn, bò, đứng chững, tập đi.
- Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động, mátxa chân tay và hệ cơ của bé, kích thích hệ vận động phát triển cứng cáp.
- Thực hiện các bài tập cử động với các ngón tay cho trẻ: cầm, nắm, kéo... sự kết hợp giữa các ngón tay để cầm nắm và sự kết hợp giữa 2 bàn tay.
- Chuẩn bị, cung cấp cho trẻ nhiều đồ chơi đẹp về màu sắc và đảm bảo độ an toàn: không quá cứng, không dễ vỡ và không có góc cạnh sắc nhọn.

Cho trẻ tiếp xúc và hành động với nhiều vật liệu khác nhau: những trái banh cao su, banh nhựa, những con chút chít có thể phát ra tiếng kêu... là những thứ đồ chơi phù hợp với trẻ và kích thích trẻ hành động với chúng.
- Mở rộng môi trường hoạt động cho trẻ: đưa trẻ đi chơi công viên..v.v...

Tuy nhiên tất cả các bài tập của người lớn trong giai đoạn này cần vừa sức và phù hợp với trẻ, tránh bắt trẻ tập luyện quá nhiều vì hệ cơ vận động của trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh nhưng cũng dễ bị tổn thương. Đồng thời ở lứa tuổi này trẻ chưa hình thành chú ý có chủ định, chỉ những đối tượng nào nổi bật thì mới gây được sự chú ý của trẻ. Bên cạnh đó thời gian hoạt động của trẻ vẫn còn ngắn, vì vậy trong quá trình chơi với trẻ, khi trẻ có biểu hiện chán, không muốn chơi nữa thì nên dừng lại, không nên bắt trẻ chơi quá lâu và quan trọng hơn, mỗi lần trẻ chơi với đồ vật không nên để quá nhiều đồ chơi xung quanh trẻ, điều này làm giảm đi sự tập trung khám phá cũng như kích thích sự hoạt động của trẻ trên từng đồ vật.

Như vậy sự phát triển của hành động thể hiển ở chỗ chuyển từ hường vào đối tượng sang hướng vào kết quả của hành động và ở chỗ làm phức tạp hóa hơn nữa những kết quả đạt được.

Trúc Giang mamnon.com