Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm gì khi con trai nhút nhát?


Con trai tôi 4 tuổi. Trong lớp cháu rất ngoan nhưng không dám phát biểu hay tham gia các trò chơi và thường bị bạn bắt nạt. Cháu cũng rất nhút nhát khi tới nơi đông người và vẫn chưa nói lưu loát như các bạn cùng tuổi. Tôi phải làm sao để rèn luyện cháu

Cháu phát triển cân nặng và chiều cao rất tốt. Cháu cũng khá thông minh, ngoan ngoãn và vui vẻ. Cháu đã đến trường từ năm 1 tuổi và chỉ khóc một hai ngày đầu. Khi chúng tôi chuyển nhà thì cháu chuyển trường cũng khá dễ dàng.
Thế nhưng, cháu rất nhát, sợ ồn ào, sợ các con rối, các tượng to lớn. Cháu rất sợ múa lân, sợ những nơi tụ tập đông người.

Tôi cho cháu tham gia lớp võ vào sáng chủ nhật. Cháu đòi cả cha và mẹ đưa đi, tới nơi thì úp mặt vào mẹ và ngày nào tôi cũng phải mất hơn nửa tiếng dùng đủ mọi cách để dụ cháu vào học.

Khi mang thai cháu, tôi gặp phải bất hòa trong gia đình chồng nên thường hay tranh cãi, mất ngủ. Đó có phải là nguyên nhân?

Trả lời
Cháu nhà chị có những biểu hiện như vậy cũng đáng lo. Tuy nhiên, anh chị không nên lo lắng quá. Câu hỏi của anh chị, chúng tôi xin trả lời 3 ý sau đây:
- Chuyện bất hòa và tâm trạng lo lắng, bị mất ngủ của chị lúc mang thai quả thực có ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào mức độ căng thẳng của chị và có thể còn do cả những chất kích thích khác (nếu có) mà chị dùng để giải tỏa. Tuy nhiên cách nuôi dạy con mới có tính chất quyết định đến tính cách của trẻ.

- Con chị mắc bệnh sự hãi, nhút nhát một phần do hệ thần kinh, một phần phụ thuộc vào cách giáo dục. Chị hãy cho con tiếp xúc nhiều hơn và để cháu tự do hơn khi hành động, không nên quá gần gũi và ôm ấp trẻ bởi điều đó làm cháu trở nên phụ thuộc và sợ hãi khi phải xa cha mẹ.

Tuy nhiên, sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài phải thường xuyên và từ từ, nếu không, đó sẽ là cú sốc với cháu. Ví dụ, khi con sợ đám đông mà cha mẹ cho bé ra chỗ rất đông người rồi để trẻ tự thích nghi thì chắc chắn cháu sẽ sợ nhiều hơn. Vì vậy, bạn cần phải để bé giao tiếp dần từ 2 đến 3 người, sau đó mới nhiều hơn.

Mặt khác, gia đình không nên chế giễu trẻ hoặc thấy con nhút nhát lại mắng, khiến bé tự ti hơn. Bạn hãy tìm những điểm tích cực để kích thích, động viên, tạo sự tự tin cho con.

- Con chị 4 tuổi mà vẫn nói chưa được lưu loát như những bạn cùng tuổi cũng không đáng lo nhiều. Tuy vậy, để giúp bé nói tốt hơn, anh chị nên làm như sau:
+ Giữ cho bé cảm xúc bình tĩnh khi nói vì khi đó cháu mới nói tốt được
+ Giúp bé tập đọc trước ngương và khi sai phải đọc lại ngay
+ Tránh tạo sự mặc cảm cho bé
+ Giúp bé tập nói trước đám đông, tập trò chơi ê, a, ê, â ...như những ca sĩ luyện giọng và buổi sáng.

( Theo vnexpress)