Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thuốc trị bệnh ngoài da cho trẻ nhỏ


Để phòng trị rôm sảy, nhiều người dùng phấn rôm. Nhưng việc sử dụng không đúng cách sẽ làm lỗ chân lông bị bịt kín, khiến trẻ càng dễ bị rôm sảy hơn. Trẻ bị rôm sảy: Vì một lý do nào đó (da bị chèn ép, tỳ đè, chất sừng trên da bị giữ lại), các lỗ chân lông bị bít, mồ hôi không tiết được, ứ lại, tạo ra trên da nhiều mụn nước, bên trong có màu đỏ, gọi là rôm sảy. Có thể phòng rôm sảy bằng phấn rôm (thực chất là bột talc). Phải làm vệ sinh, lau khô da rồi mới rắc một lớp bột talc mỏng. Nếu da không sạch, có nhiều mồ hôi hay rắc bột talc quá dày thì sẽ gây bết, làm cho lỗ chân lông bị bít kín thêm, trẻ dễ bị rôm sảy hơn. Để chữa rôm sảy, phải tắm ít nhất ngày một lần với dung dịch thuốc tím loãng (1/10.000). Bôi dung dịch dalibour toàn thân mỗi ngày một đến hai lần. Chấm thuốc màu eosine hay millan vào chỗ da bị lỡ trầy sưng. Không tự ý dùng kháng sinh hay corticoid khi chưa có ý kiến thầy thuốc. Trẻ bị chốc: Là bệnh nhiễm trùng da nguyên phát do liên cầu khuẩn (hoặc có thể có cả tụ cầu khuẩn), thường xuất hiện ở đầu, mặt, cổ. Khởi phát là một bóng nước trong hoặc dát hồng trong có bóng nước. Sau đó, bóng nước hóa mủ, mủ làm dính các sợi tóc lại với nhau; sau đó vỡ ra, đóng mày vàng mật ong, dưới mày là một vết trợt đỏ rớm dịch, thương tổn nằm dưới lớp sừng. Nên dùng kéo đã vô khuẩn làm vỡ các bóng nước, sau đó bôi dung dịch millan lên các vết trợt. Làm mềm và tróc mày bằng cách đắp khăn ướt tẩm dung dịch thuốc tím pha loãng (1/10.000) hay các loại pommade sát khuẩn. Không được dùng pommade penicilin hay sulfamid vì dễ gây ra chàm tiếp xúc. Trường hợp bôi thuốc không có kết quả, tổn thương nhiều lan tràn, có thể dùng kháng sinh uống theo chỉ định của bác sĩ. Có trường hợp bị chốc hóa (bội nhiễm thứ phát, không thấy bóng nước, chỉ thấy rịn nước, rịn mủ, sau đó đóng mày màu vàng) hay chốc loét (thương tổn giống chốc nhưng ăn sâu vào lớp trung bì). Cần đến thầy thuốc chuyên khoa điều trị chốc hóa và chốc loét trước, sau đó điều trị bệnh da nguyên phát. Cần chủ động giảm các yếu tố thuận lợi làm chốc hóa và chốc loét. Trẻ bị chàm sữa: Là hiện tượng viêm thượng bì trên một cơ địa dị ứng (do nhiều nguyên nhân khác nhau). Bệnh thường có ở trẻ khỏe mạnh, lúc 3-4 tháng tuổi, xuất hiện ở má, đối xứng, có thể lan dần đến vành tai, da đầu, cổ, tay chân. Sang thương không có ở mũi, mắt, miệng, cằm. Sang thương ở mặt và má: đỏ, nứt, có chỗ đóng mày và có vảy khô, có chỗ chảy nước, rất ít khi thấy ngứa. Trẻ ăn ngủ như thường. Với những trẻ bình thường, không nên cho nhập viện vì môi trường bệnh viện có thể làm cho trẻ bị nhiễm khuẩn thứ phát. Cũng không nên điều trị kháng sinh liều cao. Chàm sẽ biến mất trước 2 tuổi. Nếu đến 2 tuổi bệnh không hết, tái đi tái lại thì sẽ thành chàm thể tạng. Bệnh có thể do rối loạn tiêu hóa (phải điều chỉnh cách cho ăn và bú) hoặc liên quan đến thể trạng gia đình (suyễn, mề đay). Thuốc chữa triệu chứng: Trường hợp không có nhiễm trùng, có thể dùng nước mát (đắp thuốc tím loãng, nước rau má) hay hồ nước. Hồ nước sẽ hút nước rịn, làm dịu da. Nếu nhiễm khuẩn, có thể dùng dung dịch eosine hay millan. Không nên tự ý dùng các thuốc trị liệu toàn thân. DS Hà Thủy Phước, Sức Khỏe & Đời Sống