Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Táo bón – Một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của trẻ


Táo bón là một bệnh thường gặp ở trẻ, thường xảy ra do chế độ ăn của trẻ không chứa đủ chất xơ, nước hoặc hệ vi khuẩn đường ruột bị bất thường. Nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả và kịp thời, táo bón sẽ làm giảm thiếu hụt chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Táo bón và sự phát triển của trẻ
Trẻ được coi là bị táo bón khi đại tiện dưới 3 lần/tuần (lứa tuổi bú mẹ) hoặc dưới 2 lần/tuần (trẻ lớn); phân rắn, khô và to bất thường hoặc khi trẻ đi tiêu rất khó khăn. Chứng táo bón ở trẻ thường do chế độ ăn không hợp lý, quá nhiều chất đạm, ít chất xơ. Trẻ ăn sữa ngoài dễ bị táo bón hơn trẻ chỉ bú sữa mẹ.

Táo bón nếu không điều trị tốt có thể gây nhiều biến chứng phức tạp. Ở trẻ em, táo bón kéo dài gây buồn nôn, đầy hơi dẫn đến chán ăn, thiếu hụt chất dinh dưỡng; cơ thể bị nhiễm độc do các chất độc bị tích tụ trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Hơn nữa, phân trong ruột và các chất độc nhiễm vào máu còn gây nên tình trạng khó chịu. Trẻ thụ động, không thích tiếp xúc, vui chơi cùng người lớn cũng như các bạn cùng trang lứa. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ

Hiện nay việc điều trị táo bón chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng mà không giải quyết căn nguyên, bệnh dễ bị tái lập, trở thành nỗi ám ảnh,. Hơn nữa, một số loại thuốc điều trị táo bón hiện nay có thể gây tác hại đến cơ thể còn non nớt của trẻ. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân và sử dụng các liệu pháp tự nhiên để phòng chống và điều trị táo bón tận gốc là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ của trẻ.

Nguyên nhân táo bón
Nguyên nhân của chứng táo bón ở trẻ trong độ tuổi đi học thường do chế độ ăn không đủ chất xơ và nước, giàu chất đạm, béo và đường. Ở trẻ nhỏ, táo bón thường do trẻ dùng sữa chưa bổ sung chất xơ hoặc bổ sung chưa đủ hàm lượng cần thiết. Ngoài ra, trẻ lười đi vệ sinh, thậm chí ngay cả khi trẻ có "nhu cầu". Đây là nguyên nhân ít được để ý đến, nhưng sự thực do trẻ chưa ý thức được các vấn đề sức khoẻ như người lớn và ham chơi nên sẽ sẵn sàng "quên" chuyện đi vệ sinh để được tiếp tục trò vui của mình.

Biện pháp phòng chống và điều trị táo bón an toàn, hiệu quả cho trẻ.

Cơ bản phải xuất phát từ quyết tâm của cha mẹ:
- Bổ sung chất xơ cho trẻ trong chế độ ăn: cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây; phải kiên trì chế biến món ăn cho trẻ, tập cho trẻ ăn.
- Cho trẻ uống nước thường xuyên.
- Xoa bụng để kích thích nhu động ruột của trẻ: là một cách tránh táo bón đặc biệt đối với trẻ nhỏ, thường giảm nhu động ruột. Chà xát hai tay cho ấm và xoa bụng trẻ theo chiều từ phải vòng qua trên rốn sang bên trái. Một ngày nên làm như vậy hai lần, mỗi lần từ 3-5 phút để giúp kích thích nhu động ruột và cho trẻ đi cầu hàng ngày theo đúng giờ quy định.

Tập cho trẻ thói quen ăn rau (chất xơ) là một việc không hề dễ dàng, đặc biệt là phải ăn đầy đủ lượng chất xơ cần thiết. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là bổ sung chất xơ từ những sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên với hàm lượng cao để đảm bảo cung cấp đủ lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày.