Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chăm sóc sức khỏe thai nhi


 

Bạn nên chú ý ăn rau xanh, hoa quả, cá và tránh sử dụng các loại thuốc giảm đau để thai nhi được phát triển an toàn và khỏe mạnh.

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ BabyExp.

Khám nha khoa

Bạn nên đi khám nha khoa và điều trị dứt điểm các bệnh về răng lợi nếu có trước khi có kế hoạch sinh con.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm bà mẹ mắc bệnh về răng lợi (sâu răng, viêm lợi) có xu hướng sinh non cao gấp 7 lần nhóm bà mẹ còn lại. Thủ phạm gây nên tình trạng chuyển dạ sớm có liên quan tới vi khuẩn gây nên các bệnh về răng miệng.

Các dấu hiệu bạn cần đi khám bao gồm hơi thở có mùi hôi, khó nuốt, lợi sưng đỏ, chảy máu, sâu răng...

Lưu ý: Nếu bạn muốn đi khám nha khoa trong thời gian mang thai, nên hỏi ý kiến bác sĩ thật cẩn thận. Một số chất hóa học dùng trong thuốc hàn răng gây tác hại xấu đến sức khỏe thai phụ và thai nhi.

Tránh thuốc giảm đau

Nên tránh aspirin và ibuprofen (một loại thuốc kháng viêm) trong thời gian mang thai. Hai loại thuốc này, nếu dùng liều cao, có thể gây nên tình trạng sảy thai.

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau an toàn hơn với thai phụ nhưng không nên lạm dụng nó. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn dùng bất kỳ một loại thuốc nào khi mang thai.


Bổ sung vitamin và khoáng chất

Các nghiên cứu chứng minh rằng, nếu bạn bổ sung axit folic trước và trong giai đoạn mang thai, sẽ phòng tránh được nguy cơ mắc phải hội chứng Down, hở hàm ếch ở bé sau này. Hàm lượng axit folic hợp lý là khoảng 400mcg/ngày tính từ ngày bạn chuẩn bị thụ thai đến tuần thứ 12 của thai kỳ.

Vitamin D và canxi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển răng và xương của bé. Bạn nên bổ sung tất cả các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể qua việc ăn uống cân bằng.

Ăn rau

Một chế độ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi trong quý I của thai kỳ có thể ngăn ngừa được tình trạng sảy thai (Kết quả nghiên cứu của nhóm nhà bác học Anh quốc). Bạn cũng nên nhớ uống một cốc nước hoa quả tươi vào buổi sáng. Các loại hoa quả sấy khô hay nước hoa quả đóng chai không đường cũng là những gợi ý hữu ích cho bữa ăn vặt trong ngày.

Kết quả nghiên cứu trên cũng kết luận, thai phụ ăn trên 4 quả táo một tuần cũng có tác dụng giúp bé tránh được bệnh hen suyễn về sau. Các loại rau có lá màu xanh sẫm chứa nhiều sắt và folate, vì vậy chúng cũng rất cần thiết cho bạn.

Ăn cá

Những bà mẹ ăn cá khi mang thai sẽ sinh ra những đứa con thông minh, giỏi giao tiếp hơn. Bạn chỉ nên ăn 2 bữa cá một tuần và tránh những loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá mập, cá hồi, cá kiếm, cá ngừ...

Chế độ ăn đều đặn 2 bữa cá 1 tuần cũng có khả năng phòng ngừa được chứng chàm bội nhiễm ở bé sau này.

Kiểm tra cân nặng

Những phụ nữ gầy gò có nguy cơ bị sảy thai trong quý I cao gấp 72% nhóm phụ nữ có mức cân nặng chuẩn. Thai phụ béo phì dễ phải đối mặt với chứng bệnh tiểu đường, tim mạch và tình trạng chuyển dạ sớm.

Bạn nên kiểm soát trọng lượng cơ thể mình bằng chế độ ăn uống, vận động hợp lý ngay từ lúc trước khi mang thai. Tuyệt đối tránh tình trạng ăn kiêng trong thời gian mang thai và cho con bú.

Luôn vui vẻ

Tình trạng stress kéo dài không chỉ gây hại cho sức khỏe của bạn mà nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Những bà mẹ thường xuyên căng thẳng có xu hướng sinh con nhẹ cân hơn. Stress ở bà mẹ còn khiến thai nhi chậm phát triển.

Nên duy trì một cuộc sống vui vẻ, thoải mái, cân bằng công việc và các mối quan hệ của bạn để không phải lo lắng, buồn phiền khi mang thai.

Từ bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá trong thời gian mang thai (bao gồm cả việc hút thụ động - bạn không hút thuốc nhưng lại thường xuyên hít phải khói thuốc) là nguyên nhân khiến thai nhi bị thiếu oxy đồng thời nó cũng làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân. Khói thuốc làm tăng 40% nguy cơ mắc các bệnh về phổi và hội chứng tự kỷ ở bé sau này.

Tốt nhất bạn nên từ bỏ thuốc lá hoặc tránh xa môi trường có khói thuốc.

Cắt giảm caffein

Ăn, uống quá nhiều caffein khi mang thai là nguyên nhân khiến bạn sinh non, sảy thai hoặc gây nên tình trạng bé chết non hoặc hội chứng đột tử ở bé sơ sinh. Bạn không nhất thiết phải từ bỏ hoàn toàn lượng caffein trong khẩu phần ăn hàng ngày. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, nếu bạn dùng 300mg caffein trong thời gian mang thai thì không gây hại cho sức khỏe (300mg caffein tương đương 3 cốc café hoặc 6 tách trà hay 8 lon cola).

Nói không với rượu

Những bà bầu uống nhiều rượu có thể dẫn tới hội chứng ngộ độc bào thai. Cho dù bạn chỉ uống 1-2 cốc rượu nhỏ/tuần thì điều này cũng không tốt cho sức khỏe. Rượu cũng có khả năng gây suy giảm sức khỏe tổng quát ngay khi bạn chưa mang thai.

Theo Mẹ & Bé