Trẻ nghịch đồ chơi theo cách bất thường dễ mắc bệnh tự kỷ
Phát hiện đăng trên tạp chí Autism có thể giúp các bác sĩ và cha mẹ phát hiện ra nguy cơ tự kỷ ở trẻ và có biện pháp hỗ trợ chúng sớm hơn. Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em, khiến trẻ không có hoặc rất ít có giao tiếp, tương tác với người khác, chậm nói, kém tưởng tượng, lặp đi lặp lại động tác... Sally Ozonoff từ Đại học Davis ở California và cộng sự còn tìm thấy những em bé bị tự kỷ thường nhìn chằm chằm một cách kỳ lạ vào những vật thể như những cái chai hoặc nhìn chúng một cách vô hồn. "Cần phải thiết lập ngay những biện pháp chẩn đoán có thể phát hiện sớm dấu hiệu tự kỷ, những dấu hiệu xuất hiện trước 24 tháng tuổi", tiến sĩ Ozonoff nói. Trước đây, Hiệp hội các bác sĩ Nhi khoa Trẻ em từng đề nghị tất cả trẻ nhỏ cần được kiểm tra về tự kỷ trước tuổi lên 2, và hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều tìm kiếm những dấu hiệu bất thường theo cách cổ điển.. "Phát hiện mới cho thấy xem xét các hành vi chơi đồ của trẻ cũng có thể được bổ sung vào danh sách kiểm tra nhanh của bác sĩ hoặc của cha mẹ", Ozonoff nói. "Càng chữa sớm cho trẻ tự kỷ, hiệu quả với trẻ càng lớn". Ozonoff và cộng sự đã nghiên cứu 66 trẻ một tuổi, được xem là có nguy cơ tự kỷ cao, hầu hết bởi chúng có anh chị em ruột từng mắc chứng này. 9 trẻ trong nhóm đó cuối cùng cũng mắc bệnh thật, và 7 trẻ trong số này thường xuyên dành thời gian quay tròn các đồ chơi, nhìn chúng một cách lơ đễnh hơn so với các trẻ khác. Trẻ tự kỷ thường được cha mẹ phát hiện ở tuổi lên 3. Nhưng khoảng 1/3 số bậc cha mẹ nhận ra các dấu hiệu trước khi trẻ có lần sinh nhật đầu tiên. ( Theo VnExpress) |