Chị H.Q.N. (Long Thành, Đồng Nai) than phiền: "Con tôi 2 tuổi rưỡi nhưng cháu hay chui vào gầm bàn, gầm ghế, thậm chí cả gầm giường để làm một điều gì đó... Mắng cháu thì cháu hờn dỗi suốt cả ngày. Có những lúc dường như cháu đang giấu giếm một cái gì đó mà không nói cho cha mẹ biết". Đúng là tuổi vườn trẻ có những biến đổi mạnh mẽ. Ở giai đoạn này phần lớn ý thức độc lập của trẻ bộc lộ rõ rệt, vì vậy có những hoạt động độc lập với người lớn. Trẻ thường tạo ra những mảnh trời riêng cho chính mình bằng những "không gian", "lãnh địa" của bé. Trong thế giới nhỏ nhoi đó, chúng tha hồ làm những gì chúng thích thú. Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ không biết cách hoặc chưa bao giờ được xử sự một mình, hành động độc lập thì lớn lên càng trở nên thụ động, phụ thuộc người lớn, hình thành nét tính cách lười biếng, ỷ lại, càng dễ hình thành tính ích kỷ, tham lam, cá nhân... Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh nếu trẻ không có mảnh trời riêng, chúng cũng ít khi thừa nhận những quyền của người khác, phủ định những thành tựu của trẻ cùng tuổi..., nảy sinh tâm lý ghen tị hoặc coi thường. Những bậc cha mẹ hãy cho trẻ một không gian riêng như dành một phòng riêng (nếu có) hoặc một góc để đồ chơi của trẻ. Đồng thời coi trẻ không phải như tờ giấy trắng, một tấm bảng sạch, mà hãy thừa nhận những gì trẻ có khả năng làm được, những thành quả của trẻ. Các cháu cần có sự phát triển "độc lập". Đừng bao giờ can thiệp những ý thích đó của con bạn, mảnh trời riêng là môi trường, là không gian để trẻ phát triển nhân cách. Nhưng chúng ta cũng luôn kiểm soát hành vi trong quá trình giao tiếp xung quanh, tránh để trẻ phát triển một cách tự do, tùy tiện. LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Giảng viên tâm lý học) |