Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Không nên tạo áp lực cho trẻ khi gặp thất bại


Hãy ở bên cạnh khích lệ trẻ vượt qua thất bại
Bé sẽ phải đối mặt với những khó khăn đầu tiên trong cuộc sống, các bậc phụ huynh nên làm gì để con mình hiểu và có nghị lực để vượt qua?

Chắc hẳn bạn không muốn nhìn thấy con mình gặp thất bại trong cuộc sống. Đôi khi đó không hẳn là một sự thất bại mà chỉ là "cảm giác thất bại" của trẻ trong những tình huống tưởng như chẳng có gì. Đó là cảm giác khi trẻ không được chọn lựa vào vai diễn chúng mong muốn, không được ngồi ăn trưa bên người bạn chúng yêu quý hay chỉ là không được đứng đầu hàng.

Để trẻ tự nhiên bộc lộ cảm xúc : Khi trẻ không đạt được thành công dù đó là trong lớp học hay trên sân bóng, bạn nên tạo điều kiện cho con được bày tỏ cảm xúc thất vọng.Lúc này, chúng thực sự muốn đưa ra những cảm nhận của riêng mình. Và một trong những điều tốt nhất bố mẹ nên làm là lắng nghe chúng, thông cảm và giúp đỡ con giải quyết những vấn đề đó. Nếu con gào khóc, bạn hãy để mặc cho con khóc đã đời, rồi hướng con vào một việc gì khác đã, khi con đã bình tĩnh bạn hãy ân cần giải thích cho con hiểu.

Bố mẹ không nên tạo áp lực cho trẻ : Thường thì bố mẹ đặt hi vọng quá nhiều vào đứa trẻ khi chúng còn nhỏ tuổi. Bạn không nên mong con làm những điều quá sức mà không nhìn nhận đến khả năng, ý thích hay sự hạn chế của con. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu trẻ không thể đánh bóng vào lỗ khi chúng mới chỉ 4 tuổi hay không thể dọn bàn ăn khi chúng chỉ mới 5 tuổi. Lúc này phản ứng của bố mẹ là điều quan trọng mà con cảm nhận được, nếu bạn tỏ ra buồn, không thoải mái thì con sẽ càng buồn và lo sợ khi phải bắt đầu làm một việc gì khác.Bạn nên giúp trẻ hiểu rằng chiến thắng không phải là điều quan trọng nhất. Hãy dành những lời khen ngợi cho nỗ lực và thái độ của trẻ giống như khi chúng đã là người chiến thắng.

Giúp con hiểu và chấp nhận "thất bại" : Hãy rèn cho con tính độc lập từ những việc nhỏ như chọn bộ quần áo sẽ mặc, để con có thể học được rằng : khi đã quyết định làm việc gì đó thì phải chấp nhận kết quả của nó và sẵn sàng tự giải quyết các vấn đề xảy ra. Mặt khác bạn có thể dạy cho con hiểu rằng mọi người đều có khả năng riêng, điểm tốt - xấu khác nhau; do đó con không nhất thiết phải làm cho bằng được giống như bạn nào đó và ngược lại có những việc con sẽ làm tốt hơn bất cứ bạn nào trong lớp.

Bố mẹ có thể tập cho con kỹ năng kiềm chế bản thân, cho con chơi với các bạn, những quy định của cuộc chơi sẽ giúp rèn cho con biết chờ đợi, biết chia sẻ nhường nhịn và biết chấp nhận khi mình thua cuộc.

Làm gương cho con : Hãy nhớ rằng trẻ cũng luôn quan sát cách bạn giải quyết những thất bại trong cuộc sống của mình. Sẽ rất tốt nếu bạn nói với trẻ rằng bạn cũng đang gặp một số trục trặc và quan trọng hơn là để cho chúng thấy bạn học được những gì từ sự thất bại đó. Ví dụ "khi bố bằng tuổi con bố cũng không làm được điều đó, con trai ạ". Cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng, chẳng ai muốn thất bại song đôi khi đó là điều không thể tránh khỏi và thông qua đó con sẽ trưởng thành. Bạn hãy để trẻ biết bạn yêu chúng cho dù chúng thành công hay thất bại. Ôm trẻ thật chặt và nói những lời động viên với chúng sẽ giúp chúng nguôi ngoai nỗi buồn khi không thể làm tốt bài kiểm tra hay bị ngã trong khi học đi xe đạp.

Bạn hãy ghi nhớ rằng trẻ coi thất bại có thể là một cơ hội nếu chúng ta dạy cho chúng cách rút ra bài học từ những thất bại và không sợ phải thực hiện thêm một lần nữa.

Theo aFamily