Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quá trình phát triển lứa tuổi hài nhi


Nhà tâm lý học V.X. MUKHINA đã có những nghiên cứu về tâm lý học trẻ em và đã đưa ra kết luận: Đặc điểm của trẻ sơ sinh là khả năng vô tận trong việc lĩnh hội kinh nghiệm mới, trong việc tiếp thu các hình thức hành vi vốn có của con người. Nếu những nhu cầu cơ thể được thỏa mãn đầy đủ, chúng sẽ nhanh chóng mất đi ý nghĩa chủ đạo của mình và trong những điều kiện có chế độ sinh hoạt và giáo dục đúng đắn sẽ hình thành nên những nhu cầu mới (những nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng, nhu cầu vận động, nhu cầu giao tiếp với người lớn). Tâm lý của trẻ được phát triển trên cơ sở này.

Bài 1. Nhu cầu giao tiếp với người lớn thúc đẩy quá trình phát triển tâm lý trẻ em tuổi vườn trẻ.

Ngay từ khi mới sinh ra, ngoài những phản xạ vô điều kiện nhằm đảo bảo sự thích nghi với môi trường sống và tồn tại, trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn.

Người lớn không chỉ thỏa mãn những nhu cầu về mặt sinh lý: cho ăn, ngủ, tắm rửa... thì người lớn còn thỏa mãn những nhu cầu ngày càng tăng của trẻ về thế giới xung quanh. Đứa trẻ thích thú, vui sướng khi được bế trên tay, đứa trẻ luôn nhìn thẳng vào khuôn mặt mẹ khi cho trẻ bú từ đó hình thành những ấn tượng đầu tiên của trẻ về mẹ, về người thân xung quanh. Những cử chỉ âu yếm, ánh mắt, lời nói dịu dàng giúp hình thành những xúc cảm ban đầu cho trẻ.

Trong những tháng đầu đời, trẻ chưa tự di chuyển hoặc khả năng di chuyển của trẻ còn hạn chế thì việc người lớn đưa trẻ ra ngoài môi trường cho đứa trẻ nhìn thấy nhiều sự vật, thấy được sự di chuyển của chúng, đứa trẻ có những hoạt động tìm hiểu và khám phá: sờ vào sự vật và phản ứng co rụt tay khi gặp các xúc tác lạ: nóng, lạnh, hoặc sự vật chuyển động, sự vật phát ra tiếng kêu, rung...những xúc cảm cơ bản ban đầu của trẻ được hình thành cũng xuất phát từ người lớn.

Những phức cảm hớn hở xuất hiện trong những ngày tháng đầu đời của trẻ thể hiện thái độ xúc cảm tích cực của trẻ đối với người lớn. Sự giao tiếp tình cảm của người lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng cũng như hình thành tình cảm và phát triển tâm lý trẻ.

Quá trình giao tiếp về mặt tình cảm giúp tạo nên tâm trạng tốt cho trẻ, đầu tiên trẻ nhỏ cảm thấy an tâm khi có người lớn bên cạnh, sau đó trẻ cảm nhận được tình yêu thương và điều này tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành tình cảm đạo đức cũng như nhân cách trẻ ở các lứa tuổi sau.
Khi ngủ dậy, trẻ khóc, khi đó chỉ cần có sự xuất hiện của người lớn hoặc tiếng nói của người lớn cũng làm đứa trẻ nín khóc, hoặc khi không còn thích chơi với đồ chơi, đứa trẻ cũng khóc để gọi người lớn. Khi nhu cầu có người lớn bên cạnh của trẻ được đáp ứng, trẻ không còn khóc quấy và lúc đó tâm trạng của trẻ đang tốt dần lên.

Trẻ 4-6 tháng, nhu cầu giao tiếp với người lớn của trẻ đã có chọn lọc, trẻ có thể nhận ra người lạ, người quen, trẻ thường mừng rỡ khi gặp người quen, chơi cùng người quen và đôi khi sợ hãi, khóc khi gặp người lạ. Ở lứa tuổi này trẻ bắt đầu phân biệt trạng thái tình cảm của người khác đối với trẻ: trẻ vui mừng khi người khác cười, vỗ tay và khóc, mếu khi nghe tiếng quát hoặc la lớn. Trẻ cũng biết thể hiện tâm trạng và cảm xúc của mình đối với người xung quanh.

Nhu cầu giao tiếp với người lớn có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của trẻ trong giai đoạn đầu đời, tuy nhiên nhu cầu này cũng có thể đưa đến những biểu hiện tiêu cực nếu chúng ta đáp ứng lại nhu cầu đó của trẻ một cách thái quá. Người lớn luôn luôn ôm ấp, bế bé trên tay sẽ làm bé ỉ lại, không chịu vận động và hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn, không rời xa người lớn dù chỉ trong chốc lát. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý mà còn tác động xấu đến quá trình phát triển hệ cơ vận động của trẻ.

Trong thời kỳ này ở trẻ cũng hình thành năng lực bắt chước hành vi của người lớn. Trẻ bắt đầu có hành động bắt chước từ tháng thứ 4-5 cho đến cuối tuổi hài nhi. Những hành động trẻ bắt trước được từ người lớn tăng dần và phong phú theo lứa tuổi của trẻ, đến cuối tuổi hài nhi, trẻ bắt chước được rất nhiều hành động của người lớn, trẻ có thể lập lại hành động của người lớn khi trẻ mới nhìn thấy và lập lại yêu cầu của người lớn những hành động trẻ thường thấy và thường làm. Ở giữa đến cuối tuổi hài nhi, trẻ bắt đầu hiểu được tiếng nói và yêu cầu đơn giản của người lớn. Nhu cầu hiểu tiếng nói và đáp lại tiếng nói của người lớn bắt đầu xuất hiện và ngày càng tăng. Nhu cầu được thể hiện ý muốn bằng ngôn ngữ cũng xuất hiện và bắt đầu bằng những ngôn ngữ đầu đời của trẻ: baba, chacha, măm măm, và những âm thanh phát ra từ cổ trẻ một cách chưa rõ ràng.


Như vậy, trong giai đoạn này, người lớn không chỉ thỏa mãn nhu cầu giao tiếp về tình cảm đối với trẻ mà còn dạy trẻ hoạt động với đồ vật, khám phá đồ vật và tham gia hoạt động đối với đồ vật khi trẻ bắt trước. Tích cực giao tiếp bằng ngôn ngữ và làm hành động mẫu cho trẻ là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của trẻ.

Thời kỳ này, nhu cầu giao tiếp của trẻ với người lớn ngày càng cao nhưng khả năng giao tiếp của trẻ lại bị hạn chế. Chính vì vậy, nhu cầu am hiểu lời nói của người lớn và khả năng diễn tả lời nói bắt đầu hình thành và phát triển nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu giao tiếp với người lớn và khả năng giao tiếp  của  trẻ.

Trúc Giang.mamnon.com