Khi lên lớp không còn thoải mái "Đổi mới phương pháp giảng dạy" là cụm từ được lặp đi lặp lại từ sở đến phòng và trường. Nhưng nó được hiểu quá mơ hồ: lên lớp phải có đồ dùng dạy học, phải cho HS thảo luận từ cặp hai em đến tổ, nhóm, sắm vai... nói chung giáo viên (GV) lên lớp như một cái máy và HS học cũng thế! Tiết dạy gói gọn 30-35 phút nhưng bao gồm rất nhiều việc phải làm mà không thể trễ hơn vì sẽ lấn tiết của GV dạy môn khác. Vì thế vô tình chúng ta không để ý đến hiệu quả tiết dạy là HS có thể tiếp thu hết những gì GV truyền đạt qua tiết dạy hay không! Để ý qua những tiết dạy chuyên đề, hội giảng các cấp: nhìn bề ngoài ta thấy nó có vẻ nhịp nhàng, đồng bộ trong hoạt động giữa thầy và trò vì có sự chuẩn bị trước, nhưng nếu có một câu hỏi về phía HS ngoài dự kiến thì nhiều GV lúng túng khi trả lời vì sợ trễ giờ hay thiếu chuẩn bị. Yêu cầu "Đổi mới phương pháp giảng dạy" là linh hoạt giữa thầy và trò trong mỗi tiết học làm sao cho tiết dạy nhẹ nhàng, HS dễ tiếp thu một cách tích cực qua nhiều hình thức dạy học sinh động của GV. Nhưng nói thật, GV trẻ ở vùng nông thôn chỗ chúng tôi hiện nay đã "quá tải" do áp lực tinh thần: hồ sơ thì quá nhiều, ngoài giáo án và sổ theo dõi kết quả học tập là chính thì còn sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ họp tổ khối, sổ họp trường... Trong môn dạy thì lồng ghép đủ thứ: an toàn giao thông, giáo dục môi trường, các bệnh cúm gà, HIV/AIDS, quai bị, sởi... và ăn theo là giáo án soạn bổ sung. Chưa kể là phải họp hành liên tục, dự chuyên đề tổ khối, cấp trường, cấp huyện, dự giờ đồng nghiệp để học tập... Hình thức luôn đè nặng trên vai mỗi GV thì liệu còn thoải mái khi lên lớp hay không? DƯƠNG VĂN NGỌC
|