Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con nội trợ


 

Khi cả mẹ và con cùng vào bếp, sự cảm nhận về ẩm thực của trẻ cũng sẽ phong phú hơn. Ngay từ lúc trẻ còn nhỏ, bạn nên tập cho trẻ thói quen phụ giúp những việc nho nhỏ trong khi làm bếp

 


Điều này không chỉ tạo cho trẻ cơ hội khám phá điều mới mẻ, mà còn giúp trẻ tăng cường sự phát triển nhận thức và thể chất cũng như mang lại niềm hạnh phúc về thành quả lao động của chúng.
Khi cả mẹ và con cùng vào bếp, sự cảm nhận về ẩm thực của trẻ cũng sẽ phong phú hơn. Tùy theo từng độ tuổi, bạn hãy hướng dẫn cho trẻ những thao tác đơn giản trong nhà bếp như nhặt rau hoặc điều khiển vật dụng, dĩ nhiên là những thứ vô hại đối với trẻ.

Với trẻ 2 tuổi: Do lúc này, trẻ có khuynh hướng vận dụng những mô cơ lớn ở cánh tay để hoạt động, vì thế không gì lý tưởng cho bằng khi bạn hướng dẫn cho trẻ biết cách thức rửa sạch các loại quả lớn như củ khoai, trái cam... và nhặt rau xanh.

Với trẻ 3 tuổi: Nhằm mục đích giúp trẻ trở nên thuần thục những hoạt động thiên về cánh tay, bạn có thể dạy cho trẻ cách phết bơ lên bánh mì bằng dao nhựa và nhào nặn bột khi làm bánh.

Với trẻ 4 đến 5 tuổi: Trẻ ở độ tuổi này đang học cách điều khiển bàn tay và ngón tay ở mức độ tinh tế hơn. Bạn cần giới thiệu với trẻ một số dụng cụ điều khiển bằng tay như đánh trứng, cách đo lường bột, đường...

Với trẻ từ 6 đến 10 tuổi: Đây là độ tuổi trẻ đã hiểu biết khá nhiều về mọi thứ xung quanh chúng, nên bạn cần cho trẻ phụ giúp việc đập trứng, trang trí một ổ bánh mini hoặc đổ khuôn rau câu nhưng tránh để quá nóng.

Những lưu ý về an toàn khi nấu ăn cùng trẻ:

Luôn cho trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi cùng chế biến thức ăn, cũng như rửa tay lại sau mỗi lần trẻ hắt hơi, đi vệ sinh hoặc ho...

Không cho trẻ sờ tay bừa bãi vào các vật dụng, nguyên liệu làm bếp khi chưa hỏi ý kiến của bạn.

Không cho trẻ nêm nếm món ăn chưa chín, nhất là trứng còn sống, để đề phòng vi khuẩn có thể gây ngộ độc cho trẻ.

Hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng các vật dụng một cách cẩn thận để phòng tai nạn.

Nói chung, trẻ em có thể làm hầu hết mọi công việc tinh tế, miễn là đừng có liên quan đến những thiết bị nguy hiểm, chẳng hạn như dao bén, vật sắc nhọn... Bạn cũng đừng quá lo sợ hoặc cáu gắt khi trẻ làm hỏng. Nếu trẻ tỏ vẻ lúng túng hoặc chậm hiểu, bạn cần kiên nhẫn chỉ bảo cho trẻ, vì nếu không có kinh nghiệm làm việc sẽ chẳng ai trong chúng ta trở thành người khéo tay được cả.


Theo xinhxinh