Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

"Chiến lược 60 giây" kiểm soát hành vi của bé


 

Bạn phát hiện con mình nói dối hoặc nghịch ngợm quá mức? Với "chiến lược 60 giây" sẽ giúp bạn đối phó và phản ứng tức thì với bé trong mọi trường hợp

Giây 0 - 10: Hành động mau lẹ

Việc đầu tiên cần làm là tới lấy ngay thỏi son khỏi bé, hay tách ngay anh em chúng ra. Đừng nói "dừng lại" rồi đợi cho chúng nghe lời. An toàn là ưu tiên số một, vì thế bất cứ thứ gì có thể gây nguy hiểm cho bé phải được ngăn chặn trước. Ngoài ra, ngăn chặn ngay bất cứ yếu tố nào là nguyên nhân của vấn đề, nhằm làm cho trẻ mất tập trung vào việc nó đang nghịch. Đồng thời, nó cũng giúp bạn tránh được việc phải đánh mắng bé trong giận dữ để rồi sau đó hối hận.

Giây 10 - 20: Thật bình tĩnh

Bạn phải lập tức bình tĩnh trước khi làm cho trẻ bình tĩnh. Dù bạn không gào lên nhưng trẻ sẽ vẫn cảm nhận được là bạn không hài lòng. Trẻ sẽ khó kiềm chế được sự nóng nảy nếu sống trong một gia đình nóng nảy. Thay vì quát lên "con thật là xấu" bạn có thể kêu lên "Ahhhhhhhh!" thật to. Bằng cách này trẻ sẽ cảm thấy mình không bị xem thường. Bình tĩnh không chỉ giúp giải quyết vấn đề mà còn giúp trẻ lắng nghe bạn. Nếu bạn quát lên thì sẽ mất tác dụng vì lúc đó trẻ chỉ chú ý vào thái độ của bạn chứ chẳng còn biết bạn đang nói cái gì.

Giây 20 - 30: Nắm bắt tình huống

Ngừng lại vài giây để xem thực sự cái gì đang diễn ra. Nếu bạn gầm lên, bạn sẽ làm cho bé choáng và khiếp đảm. Dừng lại giây lát, có thể bạn sẽ phát hiện ra bé đang bắt trước một nhân vật họa sĩ nào đó trong truyện mà bạn hay kể nên vẽ lên tường. Theo quan điểm của bé thì đó là một cố gắng để sáng tạo. Vậy hãy nghĩ ngay đến nguyên nhân xảy ra tình huống. Từ đó bạn nghĩ ra cách ngăn chặn, ví dụ cất thỏi son ở chỗ con không lấy được, còn hơn là nói "Mẹ đã bảo con bao nhiêu lần rồi..." bởi vì dù bạn có nói hàng trăm lần, thì rồi bạn sẽ lại phải nói đi nói lại nhiều lần nữa mà thôi.

Giây 30 - 40: Phân tích ngắn gọn cho trẻ

Cũng cần phải cho trẻ có chút thời gian suy nghĩ để định hình được việc nó đang làm, nếu không bạn đang kiểm soát con chứ không phải để cho con tự kiểm soát hành vi. Nói cho bé tại sao bạn không muốn bé làm thế, và hậu quả sẽ là gì. Chỉ cần nói vài ba câu, và trẻ càng nhỏ tuổi càng cần nói ngắn gọn. Nhìn thẳng vào mắt bé và nói: "Đừng vẽ lên tường, con hãy vẽ vào giấy đi!", hoặc "Sắp ăn tối rồi nên con không được ăn bánh. Ăn cà rốt thì được!" Chỉ nói thế và chấm dứt. Ngay khi bạn và con bước vào một cuộc phân tích thì bạn đã đưa ra thông điệp rõ ràng. Kể cả khi trẻ có lý, thì cũng để vấn đề đó nói chuyện sau. Vì ngay tại thời điểm đó, bé cũng chỉ muốn cãi lại tình huống cụ thể của bé chứ không tập trung vào cuộc phân tích.

Giây 40 - 50: Có nên phạt?

Theo các chuyên gia, nên hạn chế tối đa việc phạt trẻ. Chỉ nên phạt khi bạn đã nói kiên quyết mà bé vẫn cố tình, còn thường trẻ sẽ nghe theo. Chỉ sau bốn hoặc năm lần lấy bánh quy ra khỏi tay bé và nói "Không ăn bánh trước bữa tối" trẻ sẽ kiểm soát được hành vi lấy bánh. Hãy chỉ phạt trẻ trong một số trường hợp bạn đã cân nhắc kỹ hoặc khi trẻ nhiều lần lờ đi mệnh lệnh. Còn tối ưu nhất vẫn là để trẻ biết được hậu quả của hành vi nó đang làm.

Giây 50 - 60: Phạt!

Tư duy của trẻ cực kỳ logic. Chúng nghĩ "Bố mẹ không phạt mình. Có nghĩa là bố mẹ đồng ý để mình làm như thế". Vậy ý tưởng ở đây là không cần nhiều luật lệ nhưng một khi đã vi phạm thì phải xử lý kiên quyết. Bạn không nên đưa ra lời dọa dẫm rồi bỏ đấy. Nếu không, bạn không chỉ thất vọng về con mà còn mất quyền lực trước con.

Thực hiện những giải pháp nhỏ này không chỉ đơn giản là ngăn chặn trẻ khỏi vứt bánh ra nhà hay vẽ bẩn lên tường, mà nó còn quan trọng ở chỗ bạn đang truyền đạt những trị cuả mình và thể hiện rằng bạn có những nguyên tắc của riêng mình trong việc dạy con.


Theo Afamily