Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ "quậy": Hiếu động hay bệnh?


Các bậc phụ huynh thường tự hào về đứa con hiếu động của mình, vì cho rằng trẻ càng "quậy" càng thông minh. Nhiều người không biết, một số trẻ vận động quá sức, liên tục có thể đã mắc bệnh ADHD (rối loạn giảm chú ý/ tăng vận động, tức trẻ thiếu sự chú ý cần thiết đồng thời vận động thái quá).

Vì sao trẻ "quậy"?
Dù đã hơn bốn tuổi, nhưng có vẻ bé Su không ý thức được hành động của mình. Bé liên tục vận động trong mọi tình huống. Mẹ đang cho ăn, nếu không vừa ý hoặc đôi lúc chẳng cần lý do bé có thể giật tóc, cào, cấu mẹ. Bé thường đập phá đồ chơi. Chị Phạm Thị Hà, mẹ bé Su chia sẻ: "Không hiểu tại sao con tôi lại quậy đến thế! Chúng tôi cứ để bé chạy loăng quăng khắp nhà, đập phá đồ chơi thoải mái, đến khi bé mệt, sẽ tự động nằm ngủ".

Trẻ "quậy": Hiếu động hay bệnh?


Mới đây, Khoa Tâm lý - BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận một bé trong tình trạng suy dinh dưỡng, khuôn mặt phờ phạc vì mệt nhưng vẫn không ngừng chạy loăng quăng và leo trèo khắp nơi. Trong khi mẹ bé đang trao đổi với bác sĩ, thì bé cứ chen ngang, nói liên tục. Nói xong, chưa đợi người khác phản ứng hoặc trả lời, bé lại chạy ra tiếp tục leo trèo, chui xuống gầm bàn và la hét inh ỏi. Đến khi quá mệt, bé lăn ra ngủ ngay trên sàn nhà.

Một bệnh nhi khác, bảy tuổi cũng "quậy" không kém khi được đưa tới BV Nhi Đồng 2. Mẹ của bé cho biết, khi đi học dường như bé không hiểu thế nào là nội quy. Bé có thể ra ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn, thường xuyên quên sách vở, học cụ ở nhà. Gia đình đã dỗ dành, nhắc nhở, trừng phạt nhưng kết quả không thay đổi. Năm học lớp 1, bé đã phải chuyển trường đến bốn lần vì không thầy cô giáo nào chịu nổi.

Bác sĩ Thái Thanh Thủy - Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2 cho biết: "Đa phần các ông bố, bà mẹ chỉ nghĩ con mình "quậy" quá, hoặc con hư không biết nghe lời, hay con ham chơi thái quá. Thực tế, nếu để ý, phụ huynh sẽ thấy những đứa trẻ đó có biểu hiện thiếu tập trung; có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, học hành sa sút...".

Cần sớm được phát hiện
Những đứa trẻ bị ADHD thường có biểu hiện ngón tay cong, ngắn; hai mắt nằm xa nhau hơn so với trẻ bình thường, mi mắt trên có nhiều nếp gấp; đường chân tóc bất thường, vành tai to và vểnh.

Từ 6-11 tuổi, những đứa trẻ bị ADHD thường rối loạn tiếp thu, ảnh hưởng đến việc học. Thống kê cho thấy 50% trong số trẻ này bị bạn bè xa lánh, thường xung đột trong gia đình. Khi lớn lên, vì không hòa hợp được với gia đình, bạn bè nên sinh ra lêu lổng, rượu chè, ma túy và đặc biệt là dễ có hành vi chống đối xã hội. Nếu không được can thiệp đúng mức, khoảng 1/3 trẻ ADHD có các biểu hiện biến chứng như thiếu tự tin, tự đánh giá thấp bản thân, trầm cảm. Trong đó có đến 25% suy sụp tinh thần và cảm thấy cô đơn.

Theo thống kê, có khoảng 3%-5% trẻ em mắc phải bệnh này. BS Thái Thanh Thủy lưu ý: "Trẻ hiếu động vẫn có những giây phút ngồi yên khi ở môi trường lạ, khi gặp người lạ. Trẻ bị ADHD thường rất khó kiên nhẫn để duy trì một trò chơi, thường hấp tấp, hậu đậu. Nếu không cẩn trọng, phụ huynh rất dễ nhầm lẫn giữa bệnh nhân ADHD và trẻ hiếu động. Chính vì vậy, khi nghi ngờ con mình bị ADHD, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa tâm lý - tâm thần nhi.

Phương pháp trị bệnh ADHD được các nhà chuyên môn gọi là "tam giác chữa bệnh", bao gồm ba yếu tố kết hợp: thuốc, giáo dục đặc biệt và sự hợp tác của gia đình. Riêng về thuốc đặc trị cho ADHD, các nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu, tại Việt Nam việc sử dụng thuốc vẫn còn hạn chế. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi, phát hiện để đưa trẻ đi khám sớm, can thiệp kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc.

Theo Tin Tức